Tiếng Việt | English

25/08/2016 - 10:41

Sự cần thiết của việc tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung

Đối với phụ nữ, các bệnh ung thư phụ khoa thường gặp nhất là ung thư vú, cổ tử cung. Các bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, diện mạo, ngoại hình mà còn nguy hiểm tới tính mạng người phụ nữ,... Tuy nhiên, nếu được tầm soát thường xuyên, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị bệnh là rất cao. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Long An - Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Thị Định về bệnh ung thư vú và ung thư cổ tử cung cùng cách phòng ngừa, tầm soát.


Phụ nữ được tư vấn tầm soát ung thư cổ tử cung tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Long An

PV: Thưa bác sĩ, ung thư vú là gì? Những yếu tố nào có nguy cơ dẫn đến ung thư vú?

Th.S, BS Võ Thị Định: Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Việc phát hiện sớm ung thư vú giúp làm giảm tỷ lệ tử vong. Phát hiện sớm ung thư vú là chìa khóa trong điều trị thành công, đặc biệt, người phụ nữ sẽ có cơ hội được điều trị bảo tồn giữ vú, chi phí điều trị thấp. Tuy nhiên, ung thư vú giai đoạn sớm thường không có triệu chứng và việc phát hiện chỉ qua khám tầm soát định kỳ kết hợp giữa khám lâm sàng, siêu âm và nhũ ảnh.

Các yếu tố nguy cơ: Dậy thì sớm trước 11 tuổi; mãn kinh muộn sau 55 tuổi; tuổi càng cao, nguy cơ ung thư vú càng tăng; không cho con bú; tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư vú (bà, mẹ, chị, em gái); chế độ ăn uống nhiều chất béo, ít ăn rau xanh; uống nhiều rượu, bia; thiếu tập luyện thân thể; một số bệnh lý tuyến vú lành tính có trước đó;...

PV: Ảnh hưởng của ung thư vú đối với sức khỏe và cuộc sống người phụ nữ như thế nào, thưa bác sĩ?

Th.S, BS Võ Thị Định: Ung thư vú gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nếu phát hiện muộn. ung thư vú diễn tiến qua nhiều giai đoạn, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm có thể điều trị khỏi khoảng 90%, nhưng nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì việc điều trị khỏi dường như không còn.

Đa số người bệnh bị ung thư vú thường phải phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc phẫu thuật cắt bỏ vú (tùy vào mức độ bệnh và mong muốn của người bệnh). Do đó, sau phẫu thuật, người bệnh thường có một hay nhiều vết sẹo ở ngực. Những thay đổi này khiến phụ nữ buồn phiền và mặc cảm về cơ thể mình, đặc biệt là với người bạn đời. Một số phương pháp điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng đến khả năng có thai sau này, giảm ham muốn tình dục, rụng tóc, giảm cân,...

PV: Xin bác sĩ cho biết các biện pháp phòng bệnh ung thư vú?

Th.S, BS Võ Thị Định:

- Phụ nữ nên đi khám vú định kỳ 2 lần/năm, siêu âm nhũ và nhũ ảnh theo quy định; phụ nữ trên 40 tuổi cần chụp nhũ ảnh hàng năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

- Khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như: Đau vú, khối u ở vú, chảy dịch ở đầu vú, thay đổi da vùng vú, thay đổi hình dạng đầu vú, có hạch nách sưng to,...

- Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh và hoa quả, giảm chất béo; không sử dụng rượu, bia, thuốc lá; thường xuyên tập thể dục.

- Phụ nữ nên thực hiện tự khám vú tại nhà hàng tháng, sau khi sạch kinh.

PV: Thế nào là ung thư cổ tử cung? Những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung thưa bác sĩ?

Th.S, BS Võ Thị Định:

- Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến và gây tử vong cao ở phụ nữ hiện nay. Đặc đểm của ung thư cổ tử cung là có một giai đoạn tiền ung thư kéo dài từ 10-20 năm trước khi hình thành ung thư cổ tử cung, giai đoạn này thường không có triệu chứng nên rất dễ bỏ qua. Trong khi đó, nếu phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, điều trị kịp thời, đúng cách thì tỷ lệ khỏi bệnh cao.

- Các nghiên cứu ghi nhận yếu tố nguy cơ chính của ung thư cổ tử cung là nhiễm vi-rút gây u nhú ở người gọi là HPV. HPV chủ yếu lây qua đường tình dục. Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ khác của ung thư cổ tử cung được nói đến là quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, sinh nhiều con, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, viêm cổ tử cung mạn tính, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch,...

PV: Ảnh hưởng của ung thư cổ tử cung đối với sức khỏe người phụ nữ như thế nào, thưa bác sĩ?

Th.S, BS Võ Thị Định: Ung thư cổ tử cung gây nguy hiểm đến tính mạng nếu phát hiện muộn. Kết quả điều trị tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, nếu phát hiện giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung có thể điều trị khỏi 100%.

Khi ở giai đoạn muộn, người mắc bệnh ung thư cổ tử cung có những biểu hiện như ra dịch âm đạo có mùi hôi, có lẫn máu; ra máu âm đạo bất thường không phải là máu kinh (sau giao hợp, giữa các chu kỳ kinh, sau mãn kinh); đau vùng chậu, đau lưng.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư cổ tử cung do nhiều nguyên nhân mà bắt buộc phải cắt bỏ tử cung để bảo toàn tính mạng, điều này nhìn từ một mặt khác vô tình tước bỏ quyền làm mẹ của phụ nữ, khiến cho nhiều phụ nữ phải chịu tâm lý bất an.

Quá trình mắc bệnh và điều trị ung thư cổ tử cung có thể ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tình dục của người bệnh như: Mãn kinh sớm, mất cảm hứng tình dục, đau khi quan hệ tình dục,...

PV: Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung?

Th.S, BS Võ Thị Định: Hiện nay, có nhiều phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung như quan sát cổ tử cung sau khi bôi dung dịch acid acetic, lugol; xét nghiệm tế bào cổ tử cung, soi cổ tử cung, xét nghiệm HPV,... Trong đó, xét nghiệm tế bào cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất, không đau, có hiệu quả cao.

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung được thực hiện khi khám phụ khoa: Lấy tế bào cổ tử cung phết lên lam hoặc nhúng vào dung dịch. Hiện nay, tại các cơ sở y tế của tỉnh có thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung như: Bệnh viện Đa khoa Long An, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, các bệnh viện đa khoa khu vực, các trung tâm y tế. Vì vậy, phụ nữ phải đi khám phụ khoa để được tầm soát ung thư cổ tử cung. Trong năm 2015, tại Phòng khám Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản có 14.530 lượt khám phụ khoa, có 3.628 người được thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung, phát hiện 19 trường hợp tiền ung thư cổ tử cung.

PV: Các biện pháp phòng bệnh ung thư cổ tử cung là gì, thưa bác sĩ?

Th.S, BS Võ Thị Định:

+ Phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ (khi không có dấu hiệu bất thường) 2 lần/năm với mục đích phát hiện bệnh phụ khoa sớm và điều trị kịp thời; thực hiện việc tầm soát ung thư cổ tử cung theo quy định và được tư vấn các thông tin liên quan về Chăm sóc sức khỏe sinh sản.

+ Cần đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như: Ra huyết trắng hôi, có màu, lẫn máu, đau rát bộ phận sinh dục, ra máu âm đạo bất thường không phải là máu kinh, đau trằn vùng bụng dưới,...

+ Nên có cuộc sống gia đình chung thủy, một vợ-một chồng, quan hệ tình dục an toàn.

+ Thực hiện kế hoạch hóa gia đình để sinh ít con, chọn thời gian sinh con thích hợp nhất.

+ Tạo cuộc sống vui vẻ, thoải mái, tránh căng thẳng.

+ Chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý.

+ Nếu có điều kiện, trong nhóm tuổi 9-25 có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh HPV,...

PV: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

Phạm Ngân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết