Tiếng Việt | English

28/09/2020 - 10:40

Tai nạn giao thông - nỗi đau còn đó

Tai nạn giao thông (TNGT) luôn là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Nhiều người trở thành nạn nhân của TNGT do người khác vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Song, cũng không ít người trở thành tàn phế, mất mạng do sự chủ quan, bất cẩn của chính mình. Dù ở trường hợp nào, hậu quả của các vụ TNGT thật khôn lường.

Một vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên Quốc lộ 1

Mất mát không thể bù đắp

Đó là trường hợp của gia đình anh Trần Văn Mãi (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Tối 28/3/2020, anh Mãi điều khiển xe môtô biển số 62G1-126.10 từ trụ sở UBND xã ra Đường tỉnh (ĐT) 818, rẽ trái ra Quốc lộ (QL) 1 thì bất ngờ va chạm với xe môtô biển số 83P3-998.26 do Cao Trường Vũ (SN 2001, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) điều khiển. Trên xe Vũ có chở Hồ Văn Luân (ngụ huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Vụ TNGT làm anh Mãi tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu.

Vào ngày 27/12/2019, tại Km1939+600 trên QL1 thuộc địa bàn ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng. Khi đó anh Phạm Thanh Tú (ngụ huyện Đức Huệ), điều khiển xe môtô biển số 62N1-256.77 lưu thông trên QL1 hướng Tiền Giang - TP.HCM va chạm với xe đạp do ông Trần Minh Quang (SN 1943, ngụ ấp 4, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) đang lưu thông cùng chiều phía trước. Hậu quả, ông Quang bị thương nặng, sau đó tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

Trung tá Huỳnh Văn Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Thủ Thừa, thông tin: “Qua công tác tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), chúng tôi thấy, phần lớn các vụ TNGT xảy ra có lỗi trực tiếp từ người điều khiển phương tiện. Trong đó, 2 lỗi nghiêm trọng là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT: Đi không đúng phần đường; có uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện”.

Trên địa bàn huyện Thủ Thừa có tuyến QL1, QLN2, QL62 đi ngang các tuyến ĐT818, ĐT817 với lưu lượng xe cơ giới ngày càng gia tăng, tình trạng vi phạm về TTATGT diễn ra phức tạp. Thông tin từ UBND xã Nhị Thành, trên địa bàn xã có Khu công nghiệp Hòa Bình, vào giờ cao điểm, xe môtô của công nhân lưu thông qua lại khá đông. Nhiều trường hợp chưa chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ như chạy lấn làn, ngược chiều, xe lạng lách, quá tốc độ và không đội nón bảo hiểm,... Điều đáng nói, trên tuyến ĐT818 ngang qua địa bàn xã có nhiều trường học, đường nhánh nên người lưu thông chạy với tốc độ cao rất khó xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Theo thống kê của Ban ATGT huyện Thủ Thừa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 8 vụ TNGT làm chết 5 người, bị thương 5 người, thiệt hại tài sản trên 40 triệu đồng. Trong tháng 9-2020, trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương thuộc địa bàn xã Nhị Thành, xảy ra 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 2 người.

Một vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên Quốc lộ 1

Gánh nặng của gia đình và xã hội

Hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Phước Hòa (SN 1985, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) làm công nhân cho Công ty Cơ khí 1- 5 ở huyện Bến Lức. Một buổi tối định mệnh, trên đường từ nơi làm về nhà, khi đang lưu thông trên QL1, đến Km1935-1936 thuộc địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, anh bất ngờ va chạm với một chiếc xe tải đang quay đầu. Hậu quả, anh bị bất tỉnh, sau đó được đưa đi bệnh viện chữa trị nhưng bị liệt một tay. Từ khi một tay không thể cử động được, anh phải bỏ nghề cơ khí, bán vé số trang trải cuộc sống hàng ngày.

Ông Nguyễn Văn Tòng - cha anh Hòa, kể: “Từ khi Hòa bị TNGT đến nay, hàng ngày phải đi bán vé số tự nuôi sống bản thân. Gia đình cũng rất lo lắng, chăm sóc, nhưng Hòa vốn có tính tự lập, không muốn làm gánh nặng cho cha mẹ nên tự mình bươn chải, kiếm sống”.

Hiện nay, anh Hòa được UBND xã Bình Lãng xem xét giải quyết chế độ người tàn tật theo quy định của Nhà nước. Trưởng ấp Bình Hòa - Huỳnh Văn Bon cho biết: “Đối với những trường hợp bị TNGT gây thương tích, mất khả năng lao động, có hoàn cảnh rất khó khăn, Ban Công tác ấp thường xuyên vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, nhắc nhở mọi người tuân thủ quy định về ATGT”.

Góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông

8 tháng năm 2020, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, nhất là kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ 2019: Số vụ 106 (giảm 18%); số người chết 67 (giảm 15%); bị thương 66 (giảm 43%).

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Trưởng ban ATGT huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Quân cho biết: “Đầu năm 2020, Ban ATGT huyện chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Đặc biệt, Ban phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã thường xuyên thăm hỏi, tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn do TNGT gây ra. Qua đó, phần nào giảm bớt nỗi đau cho nạn nhân TNGT, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật về TTATGT, hạn chế TNGT có thể xảy ra”.

“Những mất mát từ TNGT thật sự khó có thể bù đắp được. Tháng 11 hàng năm, được sự chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức lễ tưởng niệm, thăm hỏi, tặng quà nạn nhân bị TNGT. Qua đó, phần nào an ủi, hỗ trợ tinh thần cho gia đình nạn nhân cũng như gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai chưa tuân thủ quy định về bảo đảm TTATGT” - Ủy viên Thường trực Ban ATGT tỉnh - Phùng Văn On thông tin./.

 

Ngoài thiệt hại về tính mạng, của cải, tai nạn giao thông còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của nạn nhân và để lại hậu quả, nỗi đau dai dẳng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, để bảo vệ bình yên, hạnh phúc mọi nhà, mỗi người đã và đang tham gia giao thông hãy nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ”.

Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh - Phùng Văn On

Để hạn chế tai nạn giao thông, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho hạ tầng giao thông, quản lý chặt chẽ chất lượng các công trình giao thông hiện nay; lực lượng chức năng cần kiểm tra thường xuyên và chặt chẽ hơn. Bản thân người tham gia giao thông cần có ý thức trách nhiệm, bảo đảm thực hiện đúng luật khi tham gia giao thông như đội nón bảo hiểm chất lượng, đi đúng phần đường, làn đường quy định, không lạng lách, đánh võng trên đường,...”.

Phó Trưởng ban ATGT huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Quân

Làm cha, làm mẹ, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các con giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, luôn dặn dò các con đi ra đường thì phải đội nón bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy...”.

Anh Nguyễn Văn Được, ấp Cầu Tre, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích