Tiếng Việt | English

10/10/2021 - 17:23

Taliban muốn được quốc tế công nhận nhưng bị gần như cả thế giới quay lưng

Ngay khi lên nắm quyền ở Afghanistan, Taliban đã tìm cách gặp gỡ quan chức một số nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Mỹ, Anh và Liên Hợp Quốc. Nhưng cho đến nay chưa một quốc gia nào bày tỏ sẵn lòng chính thức công nhận chính phủ mới của Taliban.

Taliban giành được chính quyền ở Taliban vào tháng 8/2021, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm tại đây. Chính quyền của Taliban tìm cách được thế giới công nhận là chính phủ hợp pháp của Afghanistan. Tuy nhiên cho tới nay, chưa có nước nào sẵn lòng công nhận chính thức "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan".


Một thủ lĩnh Taliban hội đàm với một quan chức phương Tây. Ảnh: Reuters.

Tất nhiên các nỗ lực ngoại giao của Taliban không phải là hoàn toàn vô tác dụng. Sau khi gặp gỡ với giới chức Liên Hợp Quốc, Taliban nhận được lời hứa rằng tổ chức quốc tế này sẽ tiếp tục vận hành các chương trình cứu trợ rất cần thiết ở Afghanistan. Ngoài ra, Taliban cũng nhận được các chuyến hàng cứu trợ từ Qatar, Trung Quốc, Uzbekistan, UAE, và Pakistan. Riêng Pakistan được cho là đã ngầm ủng hộ cho Taliban. Tuy nhiên, không có nước nào trong số các quốc gia này, kể cả Pakistan, đã chính thức công nhận chính quyền hiện nay ở Afghanistan. Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc đã từ chối yêu cầu của các thủ lĩnh Taliban được phép phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Một lý do khiến Taliban gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự công nhận quốc tế là do sự hiện diện của các phần tử khủng bố quốc tế trong nội các mới của Taliban. Chính phủ Mỹ thậm chí đã treo giải thưởng cho người giúp tiêu diệt được một số nhân vật trong nội các này. Ví dụ, Khalil Haqqani - một thành viên của mạng lưới Haqqani có liên kết với Taliban và làm tân Bộ trưởng người Tị nạn của Afghanistan, đã bị Washington xếp vào nhóm "khủng bố toàn cầu" vào năm 2011. Hiện tại Khalil vẫn hiện diện ở Kabul bất chấp giải thưởng trị giá 5 triệu USD vẫn được treo cho việc bắt giữ ông ta.

Từ năm 1996 đến 2001, "Tiểu vương quốc Hồi giáo" do Taliban lập nên ở Afghanistan cũng chỉ được 3 nước chính thức công nhận, đó là Pakistan, Saudi Arabia, và UAE.

Sau khi Taliban mở một văn phòng chính trị ở Doha (Qatar) vào năm 2011, các đại diện của họ đã thăm một số nước để tìm kiếm sự ủng hộ chính trị, như là từ Iran, Nga, và Trung Quốc. Iran đã thận trọng quan hệ với chính quyền mới của Taliban, trong khi Nga và Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng duy trì quan hệ kinh tế với Taliban.

Các quốc gia khác, nhất là Canada và Anh, công khai loại trừ việc công nhận hoặc thiết lập quan hệ với Taliban cho tới khi nào nhóm này hình thành được một chính phủ lâm thời bao gồm tất cả các phái khác, phụ nữ, và đại diện của cộng đồng Shia Hazara tại Afghanistan - cộng đồng này từ lâu là mục tiêu tấn công của Taliban./.

Trung Hiếu/VOV.VN

Chia sẻ bài viết