Tiếng Việt | English

21/05/2020 - 17:50

Tấm Huân chương Lao động của một nhà sư

Trên bức tường phía sau ngôi chánh điện của chùa Giác Hoa (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh) treo nhiều bằng khen của Trung ương và cấp tỉnh, trong đó có một Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang tặng Đại đức Thích Lệ Tấn (Võ Văn Dực) - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam liên huyện Tân Thạnh-thị xã Kiến Tường-Vĩnh Hưng, vì có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội - từ thiện từ năm 2010 đến 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đại đức Thích Lệ Tấn với Huân chương Lao động hạng Ba

11. Đại đức Thích Lệ Tấn, năm ấy vừa tròn 50 tuổi đời, về làm Trụ trì chùa Giác Hoa đúng vào đỉnh lũ lịch sử năm 2000, nước dâng ngập cả mái chùa lợp tole xiêu vẹo. Sư nhìn ra đồng nước mênh mang, bao nhiêu nhà cửa, vườn tược của dân nghèo chìm trong biển nước, những cây cầu bắc qua kênh, rạch bị cuốn theo nước lũ. Nhà sư rời chùa, lội nước đi vận động phật tử và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ người nghèo bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Sau mùa lũ, sư lo việc trùng tu chùa và phật sự giúp đời.

Chừng 5 năm sau, tôi đến đã thấy một ngôi chùa mới tôn nghiêm. Lúc tôi đến, sư Lệ Tấn đang phát gạo và nhu yếu phẩm cho người nghèo, xe lăn cho người tàn tật. Chiều hôm đó, một sân khấu ngoài trời được dựng lên, đón đoàn văn nghệ sĩ thiện nguyện đến từ TP.HCM. Dân trong đồng sâu chèo xuồng đến và neo đậu dọc dài bên kinh Dương Văn Dương để lên chùa xem biểu diễn văn nghệ.

Lễ thông cầu treo Hậu Thạnh Đông do Đại đức Thích Lệ Tấn vận động xây dựng

Sư Lệ Tấn cũng rất quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài. Hàng năm, sư đều tổ chức phát thưởng và học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở địa phương. Qua đó, học sinh có xe đạp và cặp, sách, vở để đi học. Nghe có 2 sinh viên ở địa phương đang học Đại học Y Dược TP.HCM có nguy cơ bỏ học vì gia đình quá nghèo, sư liền đến thăm, nhận đỡ đầu, chu cấp mỗi em 50 triệu đồng/năm đến khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Hàng năm, sư còn tổ chức đưa người bệnh tim, đục thủy tinh thể và trẻ em hở hàm ếch đi bệnh viện mổ, chữa trị, mang lại sức khỏe, ánh sáng và nụ cười cho những bệnh nhân ấy. Có khi đột xuất, nghe có anh thợ hồ bị sập giàn giáo gãy chân, nằm một chỗ, sư lội bưng sình đến tận nhà thăm hỏi, rồi đưa đi bệnh viện. Thấy nhà cửa của anh thợ hồ còn tạm bợ, sư vận động tiền, vật liệu và thợ thiện nguyện làm giúp căn nhà tình thương. Sư còn giúp gia đình một số vốn để chăn nuôi, cải thiện đời sống. Có lần đến thăm, thấy sư Trụ trì chùa Giác Hoa làm được nhiều cầu giao thông nông thôn cho dân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong cảm kích, gọi là “Ông Phật Cầu”. Ở vùng này, khi thấy có cầu bêtông hay cầu sắt dây văng, hỏi người dân địa phương đều nói “Cầu thầy Lệ Tấn đó”. Sư Lệ Tấn đã giúp đời bằng nhiều việc làm tốt đẹp như thế!

Một buổi phát gạo từ thiện cho người nghèo

2. Đại đức Thích Lệ Tấn, cho biết, ông cố nội của sư là cụ Võ Văn Hoằng, dân sở tại gọi “Ông Bồi Hoàng” và tôn kính cụ như một vị Hậu hiền của làng vì là người đầu tiên đến khẩn hoang lập làng. Vốn có võ nghệ cao cường và trượng nghĩa, cụ giúp đỡ, bênh vực những lưu dân đến sau khẩn đất và giữ đất, chống bọn cường hào ác bá. Các con, cháu cụ Bồi Hoàng phần lớn tham gia cách mạng. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, ngoài những người đã hy sinh, là liệt sĩ, số còn lại là sĩ quan quân đội và cán bộ cốt cán, hưu trí. Sư có 3 người cô ruột đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có má Tám (Võ Thị Theo) - má nuôi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi còn làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ đóng tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh.

Thăm nhà thờ họ Võ của sư Lệ Tấn tại ấp 915, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, ở bàn thờ giữa có bài vị cụ Võ Văn Hoằng. Trên các bức trướng chữ thư pháp, có bức ghi: “Ơn cha mẹ, ơn đồng bào, ơn người lãnh đạo đất nước” và “Tu trước hết là thân giáo - mình tự giáo dục mình”, “Tâm dục tẩy trần từ kinh pháp giới đăng bỉ ngạn/ Xả thân tứ đại, chuyên hành thiện định kiến Như Lai”.

Nhà sư Lệ Tấn cho biết, hồi còn bé, khi vừa chập chững, sư đã đi theo mẹ vào chùa lễ Phật nhưng vẫn chăm chỉ học phổ thông, đại học trước khi xuất gia vào chùa Vạn Phước (Tiền Giang). Năm 2000, sư về chùa Giác Hoa là chốn quê nhà. Với quan niệm “đem đạo vào đời”, đặt phật sự vào từ thiện - xã hội, Đại đức Thích Lệ Tấn rất xứng đáng với tấm Huân chương Lao động do Chủ tịch nước trao tặng từ năm 2014./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích