Điều đáng phấn khởi là qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015-2020), tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33,5 triệu đồng/năm.
Sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện vùng sản xuất rau ƯDCNC theo kế hoạch huyện giao 60ha, xã khoanh vùng quy hoạch được 80ha, hiện có 61 hộ tham gia với diện tích 27ha, tập trung ở những vùng đất trung bình, cao thuộc các ấp: Rừng Dầu, Bến Long. Loại rau sản xuất chủ yếu là rau ăn trái: Dưa leo, khổ qua, bầu, bí,... tiêu thụ tại thị trường TP.HCM thông qua thương lái.
Trồng rau màu theo tiêu chuẩn an toàn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận
Tổ trưởng Tổ Trồng rau an toàn ấp Rừng Dầu - Lê Văn Đẩu phấn khởi: “Nhờ áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng phân bón vi sinh hợp lý, giúp nông dân giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận. Cụ thể, nếu trồng theo tiêu chuẩn an toàn, với 0,3ha khổ qua, tôi thu hoạch được 5,5 tấn/vụ (tăng 1,2 tấn so với ngoài mô hình), lợi nhuận đạt gần 27 triệu đồng (tăng hơn 11 triệu đồng so với ngoài mô hình)”.
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Trần Thị Ngọc Sương, đa số nông dân vẫn còn sản xuất nhỏ, lẻ, chưa có sự liên kết nên chi phí sản xuất cao; số khác chưa nhận thức đầy đủ về ƯDCNC để sản xuất rau an toàn, rau sạch. Chất lượng nông sản chưa đạt yêu cầu, phần lớn chưa xây dựng được thương hiệu nên việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế thấp”.
Để việc sản xuất ngày càng thuận lợi, xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về mục đích, sự cần thiết phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Đồng thời, vận động người dân tham gia xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo thuận lợi cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật cũng được chú trọng. Từ đầu năm 2017 đến nay, xã tổ chức 13 cuộc với 291 lượt người dự, gồm: 10 cuộc hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa leo an toàn; 2 cuộc hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ tại ấp Rừng Dầu và Bến Long; 1 cuộc trình diễn bắp lai tại ấp Chánh Hội.
Đồng thời, xã vận động người dân khu vực cầu Tân Thái hiến đất để đắp đê bao, đường giao thông nông thôn trên tuyến kênh Đào Thạch Bích; nạo vét kênh nội đồng ấp Chánh dài 600m (đoạn từ kênh bêtông đến giáp Đường tỉnh 822), mương thoát nước bàu sen Rừng Dầu - Lập Điền, 3 tuyến kênh (kênh Ngang, kênh N3, kênh 14), kết hợp đắp đê bao thuộc ấp Chánh, Bến Long, Bàu Công,... phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất
Những năm qua, dù được sự quan tâm của lãnh đạo, các ngành chức năng nhưng do thời tiết diễn biến thất thường, thiếu nước phục vụ sản xuất, đầu ra nông sản chưa ổn định, khiến đời sống người dân Tân Mỹ gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế trên, các hội, đoàn thể xã tích cực vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường. Những hộ nghèo, thiếu tư liệu sản xuất được hỗ trợ bò giống hoặc vay vốn lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Mạch vui mừng vì bò phát triển tốt và sắp sinh thêm bò con
Gia đình bà Nguyễn Thị Mạch, ngụ ấp Bến Long, là 1 trong 30 hộ nghèo của xã. Trước đây, mẹ chồng của bà bệnh nặng, với thu nhập từ 0,3ha đất sản xuất lúa lại phải nuôi đến 5 người nên thường xuyên thiếu trước, hụt sau.
“Đầu năm 2017, gia đình tôi được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để nuôi bò. Đến nay, bò phát triển tốt và sắp sinh thêm bò con. Những lúc rảnh rỗi, tôi nhận đan mây tre với thu nhập 60.000-70.000 đồng/ngày. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định” - bà Mạch vui mừng cho biết.
Bên cạnh thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, ở những khu vực thuận lợi về giao thông, dân cư tập trung đông đúc, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện, khuyến khích người dân phát triển thương mại - dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn có 166 hộ sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ; nghề đan mây tre cũng được duy trì ổn định, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho các gia đình.
“Thời gian tới, xã tập trung triển khai thực hiện Chương trình Phát huy và sử dụng hiệu quả hệ thống thủy lợi Phước Hòa trên địa bàn xã giai đoạn 2016-2020. Giảm dần diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, đẩy mạnh luân canh lúa - rau màu, xây dựng vùng rau an toàn tiến đến đạt chuẩn VietGAP. Chọn 2 cây trồng là bắp lai, rau màu và chăn nuôi bò thịt làm chủ lực, gắn với cải tạo, phát triển kinh tế vườn. Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung với mô hình trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp, ƯDCNC” - bà Trần Thị Ngọc Sương thông tin thêm./.
Hồng Anh