Cơ quan chức năng huyện Cần Giuộc kiểm tra một cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn. Ảnh:P.C
Theo dõi chặt chẽ từ lò mổ
Toàn tỉnh Long An có 42 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được cấp phép (trong đó, 30 cơ sở giết mổ gia súc, còn lại là gia cầm). Các cơ sở giết mổ tập trung nhiều nhất vẫn là các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay, không phát hiện chất cấm trên sản phẩm thịt ở các lò giết mổ này; chưa phát hiện trường hợp nào bơm nước vào trâu, bò mà chỉ có một số trường hợp bơm nước vào heo. 9 tháng năm 2016, Chi cục kiểm tra, phát hiện 18 trường hợp vi phạm hành chính. Trong đó, nhiều nhất là 8 trường hợp có hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ. Ngoài ra, cán bộ Thú y cũng phát hiện được những trường hợp nghi bị bơm nước như heo mệt mỏi, bụng to.Theo quy định, những trường hợp này, cán bộ Thú y sẽ yêu cầu chủ cơ sở giữ gia súc lại, đến ngày hôm sau mới cho giết mổ.
Ngoài kiểm soát nguồn gốc, kiểm dịch gia súc, gia cầm, ngành Thú y cũng chú trọng đến việc chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Căn cứ Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, ngày 3/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở giết mổ.
Theo đó, cuối năm 2015, có 4 cơ sở đạt loại A, 30 cơ sở loại B và 8 cơ sở loại C.Từ kết quả này, Chi cục yêu cầu chủ cơ sở chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại. Kết quả đánh giá vào tháng 4/2016, trong 42 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, có 4 cơ sở đạt loại A, 34 cơ sở đạt loại B và 4 cơ sở đạt loại C.
Các cơ sở xếp loại C mắc các lỗi: Nằm trong khu dân cư; tại thời điểm kiểm tra không có kết quả xét nghiệm mẫu nước thải trước khi thải ra môi trường; chưa có phương tiện khử trùng tại các cổng ra, vào; lối nhập, xuất không riêng biệt; không có khu xử lý chất thải;...
Bên trong một cơ sở giết mổ gia cầm
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh - Lê Thị Mai Khanh, những cơ sở xếp loại C này, nếu cứ để những tồn tại, hạn chế kéo dài mà không có biện pháp khắc phục thì ngành chức năng cũng phải xem xét buộc đóng cửa.
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong số 42 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, có 21 cơ sở đưa sản phẩm đi tiêu thụ tại TP.HCM. Theo đánh giá, những cơ sở này đều xếp loại A và B. Thời gian qua, ngành Thú y Long An và TP.HCM phối hợp trong việc kiểm soát, kiểm tra sản phẩm ở các cơ sở này. Các thông tin đều được 2 đơn vị chia sẻ kịp thời cho nhau.
Nỗi lo từ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm
Nếu việc quản lý chặt chẽ từ “gốc” là các cơ sở giết mổ tập trung như nêu trên thì tại sao thời gian qua, chất lượng thịt gia súc, gia cầm bày bán trên thị trường vẫn chưa được nhiều người yên tâm về an toàn thực phẩm? Trên địa bàn tỉnh, trong các cuộc tiếp xúc với các ngành chức năng, người dân cũng phản ánh rất nhiều về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Nga, ở xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An lo lắng: “Thịt gia súc, gia cầm bày bán ở chợ đầy rẫy, người tiêu dùng thoải mái lựa chọn. Thế nhưng, chúng tôi thật sự không an tâm vì không biết đâu là thịt đã qua kiểm dịch”.
Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Mai Khanh cho rằng, những lo ngại của người tiêu dùng là rất thật: “Qua kiểm tra, chúng tôi vẫn phát hiện được những sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bày bán nhưng không có nguồn gốc rõ ràng, không có dấu kiểm dịch. Từ đầu năm đến nay, Chi cục tổ chức kiểm tra và phát hiện 9 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật ở chợ không có dấu kiểm soát giết mổ. Những sản phẩm này thường xuất xứ từ các lò mổ lậu. Mặc dù vậy, việc kiểm tra, phát hiện cũng gặp nhiều khó khăn, bởi thực tế hiện nay, không phải chợ nào cũng có cán bộ Thú y có mặt thường xuyên để kiểm tra hàng ngày. Vì thế, để ngăn chặn tình trạng này, vai trò của các ban quản lý chợ rất quan trọng”.
Người tiêu dùng vẫn còn lo ngại với thịt heo bày bán trên thị trường
Trưởng ban Quản lý chợ Bến Lức - Lê Hà Hoàng Danh cũng cho biết, hiện nay, trong khu vực chợ vẫn có những trường hợp buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm nhỏ, lẻ và thường không được kiểm dịch. Về góc độ Ban Quản lý chợ, chúng tôi chỉ vận động, tuyên truyền và nhắc nhở họ.
Qua tìm hiểu, tại địa bàn huyện Bến Lức, hiện có 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được cấp phép. Bên cạnh đó, cũng có 3 điểm giết mổ gia súc, gia cầm lậu, với quy mô 5-7 con heo/ngày đêm. “Đối với những điểm giết mổ lậu này, các ngành của huyện họp bàn để đưa ra hướng xử lý. Theo đó, huyện cũng quyết tâm không để những điểm giết mổ lậu này tồn tại trong thời gian tới” - Trưởng trạm Thú y huyện Bến Lức - Huỳnh Văn Hoang nói.
Về vấn đề giết mổ gia súc, gia cầm lậu này vẫn tồn tại, trong tháng 7/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan, địa phương tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Văn bản này nêu rõ: Trên địa bàn tỉnh có 66 điểm thường xuyên giết mổ gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định, chủ yếu tập trung tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và TP.Tân An với số lượng giết mổ khoảng trên 100 con gia súc và trên 800 con gia cầm/ngày đêm.
Ông Phạm Văn Cảnh yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm. Đồng thời, phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức chuyển các điểm giết mổ không đúng nơi quy định vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung; tăng cường kiểm tra, không để tình trạng buôn bán sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát giết mổ; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng giết mổ không đúng nơi quy định trên địa bàn./.
Lê Đức