Tiếng Việt | English

30/10/2018 - 15:14

Tăng cường phòng, chống nạn bạo hành trẻ em

Thời gian gần đây, qua mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được biết nhiều vụ bạo hành trẻ em (BHTE) xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non, gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ. Tuy tỉnh Long An chưa ghi nhận trường hợp nào nhưng công tác phòng, chống cần được tăng cường nhằm bảo vệ trẻ.

Thời gian gần đây, qua mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được biết nhiều vụ bạo hành trẻ em (BHTE) xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non, gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ. Tuy tỉnh Long An chưa ghi nhận trường hợp nào nhưng công tác phòng, chống cần được tăng cường nhằm bảo vệ trẻ.

Cần tăng cường công tác quản lý các trường mầm non tư thục trong bồi dưỡng nghiệp vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với bảo mẫu, giáo viên

Bạo hành trẻ em vẫn còn xảy ra?!

Vừa qua, có người dân ở xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa phản ánh về trường hợp trẻ em bị bạo hành, từ các nhóm trẻ ngoài công lập. Hiện nay, xã có 15/15 cơ sở (1 trường và 14 nhóm, lớp) đã có quyết định thành lập và hoạt động, chiếm 100%. Chính quyền xã này xác nhận không có hiện tượng BHTE như thông tin phản ánh. Qua báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đức Hòa, UBND xã Đức Hòa Đông hàng năm đều tổ chức kiểm tra thường xuyên theo tháng và theo quí. Phòng GD&ĐT cũng kết hợp Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện kiểm tra định kỳ 2 lần/năm.

Hiện nay, dư luận xã hội rất quan tâm đến tình trạng BHTE. Tuy trong tỉnh chưa xảy ra nhưng qua mạng xã hội và báo chí, được biết tình trạng BHTE vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở các trường mầm non ngoài công lập.

Mới đây, một clip ghi lại cảnh bảo mẫu Trần Thị Bảo Trân ở nhà trẻ Sắc Màu Tuổi Thơ, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, thẳng tay đánh lên đầu các bé; khi bé bị nôn ói thì bắt bé phải nuốt lại; dùng lược đánh tới tấp lên người các bé. Cơ sở này đánh đập, ngược đãi các cháu mầm non khiến phụ huynh và dư luận xã hội vô cùng bức xúc.

Ngay sau khi vụ BHTE xảy ra ở cơ sở, các ngành chức năng đã chỉ đạo tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập, trong đó tăng cường kiểm tra, thanh tra, siết chặt quản lý, kiên quyết đóng cửa và xử lý nghiêm, kịp thời các cơ sở giáo dục vi phạm.

Chị Dương Thu Hà, quê ở Quảng Nam, hiện đang làm công nhân Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, cho biết: “Thấy nhiều clip BHTE mầm non, tôi cũng lo và sợ. Tôi không còn lựa chọn nào khác, bởi các trường công lập ưu tiên nhận con em của người dân địa phương. Gửi con ở trường tư thục lớn, có camera quan sát thì chi phí quá cao nên tôi chọn gửi vào nhóm trẻ gia đình”.

Siết chặt quản lý

Các vụ BHTE để lại những hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, gây nhức nhối trong dư luận.

Hiện nay, một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là việc cấp phép và quản lý các nhóm, lớp trẻ tư thục còn lỏng lẻo, nhất là những yêu cầu về tiêu chuẩn người đứng đầu và giáo viên chưa thực sự được bảo đảm. Nhiều người mở nhóm, lớp với mục đích chạy theo lợi nhuận hơn là vì yêu nghề, vì trách nhiệm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ ở lứa tuổi mầm non đã xảy ra.

Hiện nay, quan trọng nhất là cần siết chặt các điều kiện cấp phép và quản lý hoạt động nhóm, lớp trẻ tư thục chứ không nên để khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra mới rốt ráo vào cuộc kiểm tra. Ở góc độ pháp luật, hiện nay, khung xử phạt các hành vi bạo hành trẻ còn quá nhẹ, cần thiết phải tăng nặng mức xử lý thích đáng nhằm đủ tính răn đe các hành vi xâm hại, BHTE hiện nay.

Việc phát hiện, ngăn chặn các vụ BHTE ở các cơ sở mầm non tư thục còn nhiều khó khăn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Huỳnh Thị Huệ cho rằng, để tăng cường công tác quản lý, ngành rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể trong giám sát thường xuyên đối với các nhóm, lớp tư thục nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng BHTE. Phòng, chống BHTE không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị đào tạo giáo viên mầm non. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành, xử lý nghiêm đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên tư thục vi phạm đạo đức nhà giáo.

Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục An Nông - Nguyễn Thị Thúy Vân cho biết: “Hiện nay, giáo viên, nhân viên mầm non được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, giáo viên trẻ mới ra trường thiếu kinh nghiệm trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Chất lượng giáo dục trẻ các trường, lớp mầm non ngoài công lập còn hạn chế, do đội ngũ giáo viên tư thục không ổn định, thường xuyên thay đổi. Vì vậy, trường tư cần thục nghiêm túc chấp hành đầy đủ quy chế chuyên môn của ngành: Hiệu trưởng, chủ nhóm, lớp, giáo viên được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn định kỳ cập nhật nội dung mới vận dụng vào trong quá trình chăm sóc,
giáo dục trẻ”.

Bên cạnh đó, để phòng, chống BHTE, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở nuôi dạy trẻ ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; trong đó tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm, kịp thời các cơ sở giáo dục vi phạm, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra./.

Hiện nay, toàn tỉnh có 29/29 trường tư thục có phép hoạt động; 288/289 nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có phép hoạt động, chiếm 99,65% và 19/19 nhóm trẻ tư thục có phép hoạt động. Đến nay, chưa có cơ sở mầm non ngoài công lập và các nhóm giữ trẻ tư thục bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Hùng Anh

Chia sẻ bài viết