“Nở rộ” thực phẩm nhà làm
Hiện nay, tâm lý nhiều người không thích thực phẩm sản xuất đại trà bởi không giữ được hương vị đặc trưng đúng chất “nhà làm”. Chỉ cần một cú click chuột, không khó để NTD tiếp cận các sản phẩm được quảng cáo là “nhà làm”, từ bánh, kẹo, thức ăn vặt, đồ ăn sáng, cháo dinh dưỡng cho trẻ em,... Chị Đoàn Thị Phương Thảo (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) chia sẻ: “Thực phẩm “nhà làm” có hương vị tương tự như chính mình chế biến nên tôi thường lựa chọn mua các sản phẩm này cho gia đình, nhất là các loại bánh, kẹo. Con tôi rất thích bánh bông lan trứng muối, rau câu bánh flan của một người quen gần nhà nên tôi thường đặt mua tại đây. Nếu muốn ăn ít đường, tôi cũng có thể nhắn người chế biến gia giảm theo yêu cầu. Theo tôi, thực phẩm “nhà làm” có thể đặt hàng theo sở thích, người bán sẽ làm phù hợp khẩu vị của khách hàng và giao hàng tận nơi. Vì mua của người quen nên tôi cũng an tâm về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP)”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Trang (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) cho biết: “Vì làm công nhân, thường xuyên tăng ca nên tôi là khách quen của bà nội trợ chuyên bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em có giao hàng tận nơi. Mỗi buổi sáng, tôi chỉ cần theo dõi thực đơn trên Facebook của chị ấy rồi đặt món thì trưa và chiều sẽ có người giao hàng đúng giờ. Khẩu vị cháo cũng giống như tôi nấu tại nhà nên các con tôi rất thích và đã dùng cháo tại đây được một thời gian dài”.
Thực phẩm “nhà làm” tạo được lòng tin ở người tiêu dùng bởi việc sản xuất chủ yếu là thủ công, được giới thiệu là không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu (Ảnh chụp màn hình)
Các loại bánh, kẹo, thực phẩm “nhà làm” tạo được lòng tin ở NTD bởi việc sản xuất chủ yếu là thủ công, được giới thiệu là không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, thực phẩm kém chất lượng được trà trộn, bày bán “qua mắt” NTD.
Chị T.T.A. (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, thấy một cửa hàng online có địa chỉ tại quận Bình Tân, TP.HCM bán bánh, mứt, đồ ăn vặt “nhà làm” rất hấp dẫn, tôi đặt 1kg khô bò và 2kg mứt dừa non nhưng khi nhận hàng thì mứt dừa đã bị ẩm mốc, gắt dầu, phải bỏ không sử dụng được. Khi nhắn tin, gọi điện thoại phản ánh thì bị chủ cửa hàng chặn tin nhắn, cuộc gọi. Dù đây chỉ là một bộ phận nhỏ người bán vô trách nhiệm bên cạnh rất nhiều cửa hàng thực phẩm “nhà làm” uy tín khác, tuy nhiên, ngậm ngùi “mất oan” gần 1 triệu đồng, tôi đã cảnh giác, cẩn trọng hơn khi lựa chọn mua thực phẩm qua mạng. Nếu có mua hàng thì sau này tôi cũng lựa chọn thương hiệu uy tín để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang””.
Hãy là Người tiêu dùng thông minh
Ngoài những người kinh doanh thiếu trách nhiệm, nhiều cửa hàng thực phẩm “nhà làm” rất uy tín, bảo đảm chất lượng sản phẩm đúng cam kết, được nhiều khách hàng ưa chuộng và duy trì, phát triển suốt thời gian qua. Hiện nay, nhiều bà nội trợ, nhân viên văn phòng,... tận dụng thời gian nhàn rỗi làm thêm “nghề tay trái” là nấu nướng, chế biến thực phẩm để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Đây là nhu cầu chính đáng, được khuyến khích nếu bảo đảm ATTP. Nhiều sản phẩm thơm ngon, chất lượng với hương vị đậm đà như được chế biến tại nhà được khá nhiều khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Tuy nhiên, những trường hợp bị chối bỏ trách nhiệm, gây mất lòng tin khách hàng như chị T.T.A. gặp phải cũng không phải là chuyện hiếm.
Quả thật, lựa chọn thực phẩm “nhà làm” chủ yếu dựa trên lòng tin, rất khó để kiểm soát quy trình chế biến, các yếu tố bảo đảm ATTP. Với trường hợp chị T.T.A., khi nhận được sản phẩm kém chất lượng cũng không được đền bù thỏa đáng, lúc này, NTD chính là người chịu thiệt thòi. Đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến thực phẩm “nhà làm” của những người bán hàng uy tín bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, hiện nay, cũng có tình trạng người bán hàng không thực sự là người chế biến mà là đầu mối trung gian, nhập hàng số lượng lớn rồi tự đóng gói, quảng cáo là “nhà làm” để thu hút khách hàng; chất lượng các sản phẩm này có an toàn hay không thì cũng không có căn cứ để khẳng định.
Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh đang kiến nghị có hướng dẫn trong công tác quản lý thực phẩm “nhà làm” để có biện pháp quản lý tốt hơn, vừa bảo đảm công ăn việc làm cho những người sản xuất, kinh doanh chân chính, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa
Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh - Đoàn Văn Chiến, hiện nay, các cơ sở chế biến thực phẩm “nhà làm” thường không đăng ký kinh doanh, sản xuất với quy mô hộ gia đình, đa số bán hàng qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quản lý, kiểm soát quy trình chế biến, nguyên liệu đầu vào, chất lượng, ATTP. Đặc biệt, các sản phẩm này thường không có công nghệ, dây chuyền đóng gói, bảo quản hiện đại, chỉ đóng hộp bằng phương pháp thủ công nên dễ dẫn đến phát sinh vi khuẩn, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, người dùng cần cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm “nhà làm” bởi việc sử dụng chất phụ gia, màu thực phẩm,... cũng không được kiểm soát chặt chẽ.
Với những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý thực phẩm “nhà làm”, thời gian tới, Chi cục ATVSTP tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử phạt những cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng là NTD phải biết bảo vệ mình, vì vậy Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo NTD phải nâng cao ý thức, nên lựa chọn những sản phẩm thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, có nhãn mác hàng hóa, hạn sử dụng, thành phần, nguyên liệu rõ ràng; mua sản phẩm ở những cơ sở uy tín, có thương hiệu. Đồng thời, NTD cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tích cực giám sát, tố giác những hành vi vi phạm về ATTP, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Quả thật, việc mua sắm thực phẩm “nhà làm” có rất nhiều lợi ích khi tiết kiệm được thời gian chế biến, được giao hàng tận nhà, món ăn giữ được hương vị như tự mình làm ra và giá cả phải chăng. Với những người bán hàng thực sự uy tín, sản phẩm bán cho khách cũng như chế biến cho chính gia đình mình sử dụng. Ngược lại, với những sản phẩm không bảo đảm chất lượng thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của NTD là rất lớn. Do đó, NTD phải tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, hãy là NTD thông minh, đặt niềm tin đúng chỗ khi chọn thực phẩm “nhà làm”./.
Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm “nhà làm” cần quan tâm nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu chế biến thực phẩm để sản xuất ra các sản phẩm vệ sinh, an toàn. Đối với người tiêu dùng, cần lựa chọn những sản phẩm tin tưởng, bảo đảm nguồn gốc để tránh các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đang kiến nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn trong công tác quản lý thực phẩm “nhà làm” để có biện pháp quản lý tốt hơn, vừa bảo đảm việc làm cho những người sản xuất, kinh doanh chân chính, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về an toàn thực phẩm - Huỳnh Minh Phúc
|
Cát Tường