Tiếng Việt | English

20/10/2021 - 08:59

Tăng cường tuyên truyền pháp luật về an toàn thực phẩm

Bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là hoạt động được duy trì thường xuyên vì liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của mỗi người. Trong đó, việc tuyên truyền về ATTP, nhất là các văn bản pháp luật về ATTP là vô cùng quan trọng nhằm nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng về an toàn thực phẩm (Ảnh tư liệu)

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng về an toàn thực phẩm (Ảnh tư liệu)

Để người tiêu dùng có thể lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, Chi cục ATVSTP tỉnh Long An phối hợp báo, đài, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung: Hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn; 5 chìa khóa để có thực phẩm an toàn; phòng ngừa ngộ độc rượu trong dịp tết;...

Đồng thời, việc tuyên truyền được lồng ghép với công tác thanh, kiểm tra về việc phổ biến, giám sát việc thực hiện điều kiện vệ sinh cơ sở, kiến thức và sức khỏe người trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm;...

Bên cạnh tuyên truyền, trong công tác kiểm tra, từ cấp tỉnh đến cơ sở đều tăng cường xử phạt vi phạm về ATTP. Trong đó, tại Chi cục ATVSTP, trong năm qua đã kiểm tra được 110 lượt cơ sở, đạt 66 lượt và có 5 cơ sở bị phạt tiền với 13,5 triệu đồng.

Công tác bảo đảm ATTP tại các địa phương cũng được chú trọng. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân An, tỉnh Long An - Lê Văn Tuấn, ngay đầu năm, thành phố thành lập 15 đoàn kiểm tra liên ngành (1 đoàn của thành phố và 14 xã, phường) kiểm tra vào các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng hành động Vì ATTP, Tết Trung thu,... và kiểm tra đột xuất khi phát hiện nghi ngờ, nhất là hàng rong.

Qua công tác kiểm tra, đoàn kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp về bảo đảm ATTP để người dân nắm bắt kịp thời, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng. Đồng thời, để tạo tính răn đe đối với các cơ sở đã được kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần mà vẫn vi phạm, đoàn tiến hành lập biên bản, tham mưu UBND thành phố ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Kết quả, các đoàn kiểm tra được 364 cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Trong đó, có 269 cơ sở đạt, 85 cơ sở vi phạm về ATTP (77 cơ sở nhắc nhở, 8 cơ sở đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính).

Việc hiểu rõ các kiến thức cũng như quy định pháp luật về ATTP là vô cùng quan trọng, giúp người dân tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ thực phẩm bẩn, mất an toàn; nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP nhằm răn đe, phòng ngừa; đồng thời, bảo đảm các kênh truyền thông, phản ánh kịp thời tình hình ATTP cũng như tăng cường tập huấn kiến thức, tuyên truyền, giáo dục về ATTP để nâng cao nhận thức của người kinh doanh cũng như người tiêu dùng./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết