Tiếng Việt | English

16/05/2022 - 09:19

Tăng năng suất lao động từ sáng tạo và cải tiến

Năng suất lao động (NSLĐ) là năng lực sản xuất của lao động, được tính bằng số lượng sản phẩm được người lao động sản xuất ra trong một đơn vị thời gian.

Xác định tầm quan trọng của NSLĐ, Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp nâng cao NSLĐ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, NSLĐ được cải thiện rõ nét: “Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, NSLĐ tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016-2020. Khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển KT-XH. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao NSLĐ, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên”,...

Trong 5 năm 2015-2020, NSLĐ, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị và năng lực cạnh tranh của tỉnh Long An được nâng cao. Chỉ số TFP của tỉnh giai đoạn 2016-2017 đạt 39,09%, tăng 15,73% so với giai đoạn 2011-2015, cao hơn mức tăng của quốc gia.

Mặc dù NSLĐ nước ta đã được cải thiện nhưng theo Tổng cục Thống kê, còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN như: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi NSLĐ ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhìn chung, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế nước ta còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công lắp ráp, giá trị gia tăng không cao. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã nhận định khó khăn, thách thức: Chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn yếu, tăng NSLĐ chưa trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các yếu tố lợi thế vốn có như lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên,... đang dần mất đi; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình;... Tất cả những yếu tố trên đã, đang là những thách thức đối với nền kinh tế nước ta.

Làm thế nào để tăng NSLĐ và giá trị tạo ra từ mỗi giờ lao động? Và làm sao để người Việt tạo ra nhiều sản phẩm hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn, không phải hao tổn nhiều sức khỏe từ những giờ làm thêm, việc làm thêm để có thu nhập đủ sống là vấn đề quan trọng cần có giải pháp khắc phục.

Diễn văn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng của tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo là yếu tố đột phá, quyết định cho sự phát triển. Trong tầm nhìn và định hướng phát triển, quan điểm về động lực phát triển, Đảng ta khẳng định: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...; ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng NSLĐ xã hội, bình quân trên 6,5%/năm. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Để tăng NSLĐ, cần tăng hiệu quả của các ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề. Tiếp tục chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp. Để làm được điều này, bên cạnh các giải pháp lớn của Chính phủ, cần thực hiện tốt các chương trình đột phá của Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm; Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh); tiếp tục xem giáo dục - đào tạo là quốc sách, khoa học và công nghệ là động lực; cùng “đồng hành với doanh nghiệp” trong phát triển kinh tế, chuyển đổi số và tăng NSLĐ.

Hưởng ứng chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động cũng là giải pháp hữu hiệu để tăng NSLĐ; đồng thời, lan tỏa phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” nhằm khơi dậy tính năng động, ý chí sáng tạo, cống hiến của công nhân, viên chức, lao động; có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và cải thiện đời sống người lao động./.

Tân An

Chia sẻ bài viết