Từ xưa đến nay, phụ nữ (PN) bao giờ cũng là một lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động tạo dựng nên xã hội. PN thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Có thể nói rằng, trong xã hội hiện đại, PN có vai trò rất lớn, được gán cho rất nhiều trọng trách, vừa phải phát triển sự nghiệp, vừa chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, PN còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản của xã hội và từ phía gia đình.
Thế nhưng, với phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, PN Việt Nam luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, thực hiện tốt vai trò của mình, khẳng định vị thế của PN trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dù ở bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào, với bản lĩnh, ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, nhân hậu, đức hy sinh và sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên, PN Việt Nam đã vượt qua mọi rào cản, định kiến, khó khăn, trở ngại, có những đóng góp, cống hiến to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc Việt Nam.
Hiện nay, trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do PN làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu; nhiều doanh nhân nữ có uy tín, xếp hạng cao trong khu vực và thế giới. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhiều PN đã đoạt giải khu vực và quốc tế. Các nữ đại sứ, nữ cán bộ ngoại giao, nữ công an, nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã trở thành các “sứ giả” của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nước ta trong hoạt động đối ngoại,...
Tuy vậy, so với nam giới, PN vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Với thiên chức làm vợ, làm mẹ, các chị luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, cơ hội học tập, việc làm để chăm lo cho gia đình. Định kiến giới dù đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng có lúc, có nơi, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn trong nhiều gia đình. PN không được ưu tiên trong các lựa chọn về học tập, cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến trong sự nghiệp. Tình trạng bạo hành PN và trẻ em gái vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, ở một số nơi, công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp PN phát triển toàn diện chưa đáp ứng yêu cầu. Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm; thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn về đời sống, việc làm của PN tại một số địa phương còn hạn chế. Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong một số lĩnh vực, đối tượng PN còn chậm. Vai trò đại diện cũng như lên tiếng bảo vệ PN, trẻ em trong một số vụ việc xâm hại chưa thực sự mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả,...
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định quan điểm: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp PN. Xây dựng người PN Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...”.
Để thực hiện quan điểm này, các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần tích cực tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về công tác PN, công tác cán bộ nữ; luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút đông đảo PN tham gia vào tổ chức Hội.
Mỗi PN cần xóa bỏ tâm lý tự ti, an phận, phải nỗ lực vươn lên tự khẳng định mình. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, PN cũng cần sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình, cộng đồng và xã hội. Có như vậy, công tác bình đẳng giới mới đạt hiệu quả cao, vai trò của PN mới càng được coi trọng.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, nhất là sự vào cuộc của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và chia sẻ, hỗ trợ từ gia đình, PN sẽ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội./.
Thanh Tuyền