Tiếng Việt | English

17/09/2020 - 08:27

Thận trọng khi chọn mua thực phẩm đóng gói

Hiện nay, việc sử dụng các loại thực phẩm được đóng hộp, bao gói sẵn, thức ăn nhanh trở thành lựa chọn của nhiều người. Bên cạnh những tiện ích thì loại mặt hàng này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Kiểm tra mặt hàng bánh trung thu tại cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP.Tân An

Thận trọng khi mua thực phẩm đóng gói

Tại nhiều cửa hàng tạp hóa, một số khu chợ và siêu thị, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều loại thức ăn cả chín và sống được đóng hộp, bao gói sẵn trông khá hấp dẫn, bắt mắt. Mặt hàng thực phẩm này trở thành nhu cầu của nhiều người tiêu dùng.

Do đặc thù công việc, chị Lê Thị Thanh Thúy (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) ít có điều kiện đi chợ hàng ngày nên vào ngày nghỉ mỗi tuần, chị thường đến siêu thị, cửa hàng tiện ích hoặc đến chợ mua thịt, cá, trứng, nem, rau, củ, quả,... Tất cả đều được đóng gói sẵn. Chị Thúy cho biết: “So với ngoài chợ, giá mua thực phẩm trong siêu thị, cửa hàng tiện ích đắt hơn nhưng tôi an tâm sử dụng vì hầu hết các mặt hàng đều ghi rõ nguồn gốc sản xuất”.

Người tiêu dùng kiểm tra các thông tin trước khi mua thực phẩm đóng hộp, bao gói sẵn

Là người thường xuyên mua thực phẩm đóng hộp, bao gói sẵn, anh Nguyễn Đức Thế (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) chia sẻ: “Mua thực phẩm đóng hộp, bao gói sẵn phải xem kỹ hạn sử dụng, tuyệt đối không mua sản phẩm đã quá đát (hết hạn sử dụng), cận đát, không rõ hạn sử dụng hoặc bị tẩy xóa. Người tiêu dùng hãy lựa chọn sản phẩm còn nguyên vẹn bao bì và chú ý địa chỉ cơ sở sản xuất; thành phần, trọng lượng, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản, giấy phép kinh doanh,...”.

Tết Trung thu đang đến gần, thị trường bánh trung đa dạng chủng loại với giá bán từ bình dân đến cao cấp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng là thực phẩm được đóng hộp, bao gói sẵn, dễ mất ATTP nếu các mặt hàng này không được kiểm soát chặt chẽ. Chị Trần Thị Kim Hoàng - chủ hộ kinh doanh Kim Hoàng (phường 1, TP.Tân An), cho biết: “Nhằm góp phần đem đến mùa Trung thu vui tươi, an toàn, cửa hàng chúng tôi chọn bán những sản phẩm có uy tín và thương hiệu. Hàng năm, chúng tôi lấy bánh từ cơ sở sản xuất bánh kem - bánh trung thu Kim Vân tại phường 4, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Mỗi cái bánh đều có thông tin về tổ chức, cá nhân, có công bố hợp quy sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tạo sự an tâm và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Siết chặt quản lý

Nhằm bảo đảm ATTP, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, toàn tỉnh đồng loạt triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết Trung thu năm 2020 cũng như thực phẩm đóng hộp, bao gói sẵn. Các địa phương thành lập các đoàn liên ngành, chuyên ngành tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ, vật liệu đóng gói, đựng thực phẩm. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Tân An - Lê Văn Tuấn thông tin: “Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất cách chọn mua, chế biến, bảo quản, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Đoàn kiểm tra chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm”.

Đoàn kiểm tra chú trọng kiểm tra các thực phẩm đóng hộp, bao gói sẵn

Cùng với đó, ngành chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh ATTP đối với thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về ATTP. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần xem kỹ nhãn mác sản phẩm trước khi mua, cụ thể là các thông tin về tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, thành phần sản phẩm, giá trị dinh dưỡng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng. Hướng dẫn bảo quản cũng quan trọng không kém vì bảo quản không đúng cách dễ dẫn đến thực phẩm đóng gói bị vi sinh vật phân hủy làm hỏng và sinh ra khí hoặc sử dụng không đúng theo hướng dẫn dẫn đến trường hợp bị ngộ độc thực phẩm”.

Người tiêu dùng khi mua sản phẩm nên chọn các cửa hàng có uy tín, quen thuộc như siêu thị, cửa hàng tiện ích, những địa điểm được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập. Khi mua sản phẩm phải bảo quản, sử dụng theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Không nên mua ở những cửa hàng, hàng quán bụi, bẩn, ẩm ướt, nóng, nắng; ở những nơi bày bán lẫn lộn tạp chất, hóa chất, sản phẩm có mùi như xà phòng, bột giặt, mỹ phẩm,…

Bên cạnh những tiện ích mà thực phẩm đóng hộp, bao gói sẵn mang lại thì còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, mỗi người cần cân nhắc khi chọn mua thực phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe cho mình và người thân./.

Hiện tổng số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm được quản lý trên toàn tỉnh trên 7.400 cơ sở. 9 tháng năm 2020, Đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra 223 cơ sở, trong đó có 181 cơ sở đạt, 7 cơ sở vi phạm về ATTP và bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 23,4 triệu đồng, hiện còn 35 cơ sở chờ xử lý.

Ngoài ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 7 cơ sở (4 cơ sở sản xuất và 3 cơ sở kinh doanh), không ghi nhận cơ sở nào vi phạm về ATTP.

Tuyến huyện cũng thành lập 41 đoàn thanh, kiểm tra; tuyến xã thành lập 360 đoàn tổ chức thanh, kiểm tra 5.552/6.627 cơ sở quản lý, trong đó có 920 cơ sở vi phạm (nhắc nhở 877 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 43 cơ sở, với số tiền 64,9 triệu đồng).

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích