1. Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm
Ngày 01/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nghị định quy định cụ thể mức phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số, mã vạch đúng quy định; không làm thủ tục gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch hết hiệu lực; không đăng ký lại với cơ quan thẩm quyền khi có sự thay đổi về tên gọi, địa chỉ giao dịch trên giấy phép kinh doanh hoặc không thông báo bằng văn bản khi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch bị mất hoặc hỏng;...
Phạt tiền từ 6-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số, mã vạch có đầu mã quốc gia Việt Nam (893) mà chưa được cơ quan thẩm quyền cấp quyền sử dụng mã số, mã vạch; sử dụng mã số, mã vạch đã bị thu hồi; bán, chuyển nhượng mã số, mã vạch đã được cấp.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc tổ chức sở hữu mã số, mã vạch đó cho phép bằng văn bản; sử dụng các dấu hiệu gây nhầm lẫn với mã số, mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và tổ chức mã số, mã vạch quốc tế.
Phạt tiền từ 20-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp hoặc sử dụng nguồn dữ liệu về mã số, mã vạch không đúng với nguồn dữ liệu mã số, mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và tổ chức mã số, mã vạch quốc tế; cung cấp thông tin sai lệch về chủ sở hữu hoặc đối tượng sử dụng mã số, mã vạch GS1 hợp pháp; phát triển và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số, mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm quy định về mã số, mã vạch từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2017.
2. Giảm phí đăng ký giao dịch bảo đảm
Ngày 20/10/2017, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 113/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 202/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm đ, mục 1, Điều 4 Thông tư số 202/2016/TT-BTC, ngày 09/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:
Phí đăng ký giao dịch bảo đảm: Hoạt động đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm chỉ còn là 30.000 đồng/hồ sơ (mức phí thu hiện tại là 70.000 đồng/hồ sơ). Đối với hoạt động cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm còn là 25.000 đồng/trường hợp (mức phí thu hiện tại là 30.000 đồng/trường hợp).
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/12/2017.
3. Kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 101/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 06/2017/NĐ-CP, ngày 24/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế phải thực hiện hạch toán riêng các khoản doanh thu, chi phí và lợi nhuận liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược. Đồng thời, phải theo dõi riêng các khoản mục này trên hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính.
Trường hợp các khoản doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược gắn với hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp được thực hiện như sau:
Đối với doanh nghiệp kinh doanh đặt cược không hạch toán riêng được doanh thu từ hoạt động kinh doanh đặt cược với doanh thu từ hoạt động kinh doanh khác, thì toàn bộ khoản doanh thu không tách riêng được là doanh thu dùng để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh đặt cược;
Trường hợp các khoản chi phí vừa liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược, vừa gắn với hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp, phải thực hiện phân bổ các khoản chi phí theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa doanh thu từ hoạt động kinh doanh đặt cược so với tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2017.
4. Giảm lệ phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
Ngày 20/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 111/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 257/2016/TT-BTC, ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên.
Theo đó, phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giảm như sau:
Đối với giá trị tài sản dưới 5 tỉ đồng: 90.000 đồng (trước là 100.000 đồng);
Đối với giá trị tài sản từ 5 tỉ đồng đến dưới 20 tỉ đồng: 270.000 đồng (trước là 300.000 đồng);
Đối với giá trị tài sản trên 20 tỉ đồng: 450.000 đồng (trước là 500.000 đồng).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/12/2017./.
Phan Đức Bộ (giới thiệu)