Tiếng Việt | English

31/07/2023 - 20:25

Thắt chặt tình đoàn kết nơi biên giới

Long An có đường biên giới giáp tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia) với chiều dài gần 135km.Thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân 2 bên biên giới không ngừng được vun đắp và phát triển, góp phần đưa đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước phát triển.

Hàng ngày, chị Phuong SaMean sang Việt Nam mua rau, củ, quả, cá, thịt đem về bán lại cho người dân địa phương

Hỗ trợ nhau cùng phát triển

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm soát biên phòng Long Khốt nối liền xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An và xã Bonteay Krang, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng. Hàng ngày, người dân 2 xã biên giới vẫn qua lại buôn bán, trao đổi hàng hóa, nông sản.

Chúng tôi gặp chị Phuong SaMean trên chiếc xe gắn máy đang di chuyển từ phía xã Bonteay Krang ghé vào Trạm Kiểm soát biên phòng Long Khốt làm thủ tục xin qua Việt Nam mua ít đồ dùng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ nhiều năm qua, hầu như ngày nào chị cũng xin qua chợ xã Thái Bình Trung để mua rau, củ, quả, cá, thịt đem về bán lại cho người dân địa phương.

Chị Phuong SaMean nói: “Nhà tôi cách biên giới Việt Nam trên 1km, gia đình không có ruộng đất nên tôi mở một quán nhỏ, hàng ngày sang Việt Nam mua ít đồ về bán kiếm lời. Chính quyền, lực lượng chức năng ở đây cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi qua lại làm ăn”.

Ngược về trung tâm xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Sáu Huệ, chúng tôi gặp anh Moek Sok (xã Cham, huyện Kampong TraBek, tỉnh Prey Veng) từ phía Campuchia sang để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về chăm sóc cho trên 1ha lúa của gia đình.

Anh Moek Sok cho biết, nhà giáp biên giới Việt Nam, gần 10 năm qua, anh đều qua Việt Nam mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất, có khi trả tiền mặt, có khi chủ cửa hàng cho nợ tới mùa thu hoạch mới trả. Không những thế, anh còn được hướng dẫn cách chăm sóc cây lúa, nhờ vậy, năng suất tăng lên rất nhiều.

Anh Moek Sok làm thủ tục tại Trạm Kiểm soát biên phòng Tân Hưng để qua Việt Nam mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Theo bà Bùi Thị Huệ - chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Sáu Huệ, hiện cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp cho vài chục hộ dân bên phía nước bạn như xã Cham, Cheang Dek, PrayPoun; có những hộ ghi nợ hàng chục triệu đồng, đến mùa thu hoạch họ sang trả tiền đầy đủ. Mỗi khi có hội thảo, cửa hàng đều mời nông dân nước bạn qua tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, xử lý sâu, bệnh trên cây lúa.

Bà Kao Nam (xã Cruas, huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng) chia sẻ: "Thời gian qua, chính quyền và lực lượng chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân 2 bên phát triển kinh tế, qua lại biên giới thăm thân, khám bệnh, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Các bạn giúp đỡ người dân chúng tôi rất nhiều như tổ chức khám bệnh, tặng quà cho người nghèo. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa ấy để lại trong lòng người dân chúng tôi những ấn tượng đẹp”.

Theo bà Kao Nam, chính quyền và lực lượng chức năng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân qua lại biên giới thăm thân, khám bệnh, buôn bán, trao đổi hàng hóa

Kết tình thông gia

Từ lâu, người dân ở 2 bên biên giới đã xóa được ranh giới về ngôn ngữ, nhiều người Campuchia nói tiếng Việt và người Việt cũng nghe, nói được tiếng Campuchia. Điều này tạo nên sự thân thiết, quý mến lẫn nhau giữa những người hàng xóm, láng giềng. Sinh sống hàng chục năm trên vùng đất biên giới, ông Nguyễn Thanh Danh (ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) nói tiếng Campuchia rất rành nên có điều kiện sang bên kia biên giới để làm ăn.

Ông Danh kể, nhà ông không có ruộng đất, hơn chục năm về trước, ông cùng người con gái sang nước bạn thuê đất cất trại nhỏ buôn bán trái cây. Qua thời gian buôn bán, con gái của ông là chị Nguyễn Hoàng Giang quen biết rồi kết hôn với anh Tuy người Campuchia.

Ông Nguyễn Trung Dũng (ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) cho biết, nhà ông có xe chạy dịch vụ, anh Nguyễn Trung Thắng là con trai của ông làm tài xế. Còn chị Hun (xã Thomay, huyện Kampong Rou, tỉnh Svay Rieng) thường xuyên thuê xe đi du lịch, khám, chữa bệnh bên phía Việt Nam. Qua thời gian quen biết, anh Thắng, chị Hun tiến đến hôn nhân. “Gần 1 năm kết tình thông gia với gia đình bên phía Campuchia, hầu như tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau. Khi gia đình 2 bên có đám tiệc, lễ, tết là sang chơi và thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau" - ông Dũng nói.

Theo ông Huỳnh Văn Tiến (ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng), từ trước đến nay, người dân 2 bên biên giới thân thiện lắm, nhất là sau khi chính quyền, nhân dân 2 xã ký kết giao ước kết nghĩa thì tình đoàn kết, hữu nghị lại được tăng thêm. Nhà ông làm ruộng tiếp giáp nước bạn nhưng chẳng khi nào phải lo lắng điều gì, người dân mình với người dân nước bạn thân thiết chẳng khác gì anh em ruột thịt.

Không những thế, ông Tiến thường xuyên qua lại trao đổi, mua bán một số mặt hàng nông sản ở địa phương và từ đó kết thân với một số người dân phía Campuchia. Vào những ngày lễ, tết truyền thống hoặc khi có người bệnh hay việc hiếu, hỷ, ông và những người quen ở nước bạn thăm hỏi, động viên nhau. Vào mùa vụ thì chỉ cho nhau cách làm đất, gieo sạ, xử lý dịch bệnh để sản xuất đạt hiệu quả cao.

Trong các lần gặp, 2 bên còn phổ biến cho nhau những chủ trương, chính sách của đất nước mình, tuyên truyền, vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm các hiệp định, quy chế biên giới, không xâm canh, xâm cư, cùng nhau xây dựng và bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm./.

Kiên Cường

Chia sẻ bài viết