Tiếng Việt | English

18/03/2023 - 11:39

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Thí sinh dự thi 6 môn?

Dự kiến từ năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ phải thi 6 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.

Chiều 17.3, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để xin ý kiến góp ý của xã hội.

Lịch sử thành môn thi bắt buộc

Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông), ngữ văn, toán, lịch sử (đối với GDTX) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Theo đó, thí sinh học chương trình THPT dự thi 4 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT dự thi 3 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, lịch sử và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học. Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Bộ GD-ĐT sẽ quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để thống nhất trong cả nước; đồng thời có sự linh hoạt, ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trong toàn quốc và từng địa phương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, dự kiến thí sinh sẽ thi thêm 2 môn lựa chọn bên cạnh 4 môn bắt buộc

Về phân cấp, phân quyền, Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung.

Ngân hàng câu hỏi thi phải làm mới hoàn toàn

Bộ GD-ĐT cho rằng phương thức tổ chức thi chung đề, chung đợt đối với cả môn học bắt buộc, lựa chọn trong số các môn thí sinh đã chọn học ở bậc THPT đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn, bảo đảm đánh giá được các năng lực cốt lõi cơ bản, thiết yếu và năng lực sở trường phù hợp với định hướng nghề nghiệp ở bậc học THPT.

Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những vấn đề cần quan tâm trong việc tổ chức kỳ thi từ năm 2025. Ví dụ, về đề thi, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực. Bộ GD-ĐT cần phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn bao gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ 1 (gồm 7 ngoại ngữ khác nhau), lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học; trong đó có 3 môn giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ và tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có sách giáo khoa lớp 12 và với nhiều bộ sách khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi sẽ gặp áp lực về thời gian.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, cần phải huy động nguồn lực lớn để ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi trong tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện theo sự tiến bộ của người học, bảo đảm nhu cầu học tập suốt đời phù hợp với hội nhập quốc tế chưa đồng đều giữa các địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện để thực sự đồng bộ và hệ thống, bảo đảm là điều kiện để thi, kiểm tra đánh giá khách quan, công bằng. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa cấp bộ, cấp địa phương và cấp trường trong thi, kiểm tra đánh giá. 

Lịch sử sẽ là một trong 4 môn thi bắt buộc kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Phấn đấu thi trên máy tính sau năm 2030

Theo dự thảo phương án thi mà Bộ GD-ĐT công bố, giai đoạn 2025 - 2030 thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Giai đoạn sau năm 2030 phấn đấu để chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Cần xác định rạch ròi mục đích của kỳ thi

Phương án thi về cơ bản không thay đổi lớn, chỉ thay đổi môn thi và cách thức ra đề thi cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo dự thảo mà Bộ công bố, tôi ủng hộ việc Bộ GD-ĐT làm 3 việc: ban hành quy chế thi, ra đề thi và đáp án, giám sát kỳ thi. Địa phương làm tất cả những việc còn lại: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, xét tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, có một nội dung Bộ GD-ĐT cần làm rõ về mục đích, yêu cầu của kỳ thi này và đề thi cũng cần thay đổi theo hướng rạch ròi mỗi nhiệm vụ: đánh giá chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục phổ thông; xét công nhận tốt nghiệp THPT. Không nên "bận tâm" đến việc tuyển sinh ĐH, CĐ… Việc tuyển sinh sau tốt nghiệp THPT do các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ tự chủ với các cách tuyển khác nhau. Dự thảo nên bỏ 2 nội dung không đúng với tên gọi "kỳ thi tốt nghiệp THPT": Mục tiêu, yêu cầu tổ chức thi: "cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong việc tuyển sinh theo tinh thần tự chủ". Đối tượng dự thi và đăng ký thi: "người học đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp". Đã có bằng tốt nghiệp THPT lại dự "kỳ thi tốt nghiệp THPT"!

Ông Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội)

Môn lịch sử thi bắt buộc là cần thiết

Việc Bộ GD-ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đáp ứng được mong đợi lâu nay của thầy trò các trường, nhất là những học sinh đang học lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Điều này sẽ khiến các em không hoang mang về việc mình lựa chọn môn học như vậy có phù hợp với kỳ thi cuối cùng của cấp THPT hay không. Theo dự thảo phương án, Bộ GD-ĐT đưa môn lịch sử vào kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết, phù hợp. Tuy nhiên, nếu thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh thì chắc chắn đề thi môn lịch sử cũng phải thay đổi, không theo hướng yêu cầu ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện… Điều đó cũng buộc giáo viên bộ môn phải thay đổi phương pháp dạy để học sinh tự học, không nên đọc - chép, truyền thụ kiến thức một chiều. Khi được học và thi như thế tôi tin rằng cả học sinh thế mạnh về khoa học tự nhiên chắc chắn cũng không "sợ" học và thi môn lịch sử.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh (Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội)

Mong sớm có đề thi mẫu

Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay và cả từ năm 2025. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ thay đổi cách kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn để tránh tình trạng văn mẫu, không đưa ngữ liệu trong sách giáo khoa vào đề thi, đề thi ra theo hướng đánh giá năng lực… Cũng chính vì đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh vào các trường ĐH thiết kế theo hướng trắc nghiệm kết hợp tự luận nên hiện nay cũng có xu hướng đưa một phần trắc nghiệm vào đề môn ngữ văn. Hiện nay, giáo viên tự mày mò mà chưa có đề mẫu nào của Bộ GD-ĐT nên đề kiểm tra của trường đưa vào khoảng 15% là trắc nghiệm nhưng vẫn băn khoăn không biết "liều lượng" bao nhiêu là phù hợp. Do vậy, chúng tôi rất mong Bộ GD-ĐT sớm công bố cách thức ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để thầy trò hình dung rõ hơn.

Bà Phạm Hà Thanh (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội)

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết