Tiếng Việt | English

09/03/2016 - 09:58

Thiêng liêng lắm tiếng gọi "cha"

Chẳng bà con họ hàng, không là người thân ruột thịt nhưng có một người “cha” lại yêu thương những đứa con không phải của mình như máu mủ, ruột rà. Không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng tư, anh dành tình thương và trách nhiệm của mình để cho con có được tuổi thơ đầm ấm.

Thời gian rảnh, anh thường dạy con học bài hay chơi đùa cùng con 

Người “cha” ấy chính là anh Văn Cao Trí Vũ, ở ấp 1, xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Anh Vũ hiện là Trưởng Công an xã Tân Hòa. Chưa lập gia đình nhưng anh lại có đến 2 cậu con trai ngoan ngoãn và vô cùng hiếu thuận.

Con trai lớn là em Trần Hoàng Hiếu (SN 1998), học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Bến Lức. Tuổi thơ của Hoàng Hiếu không trọn vẹn, em không hề biết mặt cha mẹ ruột. Cha mẹ nuôi của Hiếu là bà con của anh Vũ. Do hiếm muộn, anh chị xin Hiếu về nuôi từ khi còn nhỏ và cũng thương em như con ruột.

Năm em học lớp 5 thì gia đình thường xuyên mâu thuẫn, rồi cha mẹ nuôi “đường ai nấy đi”. Cha em làm hồ. Mẹ thì đi bước nữa và cũng có con riêng. Khi ấy, Hiếu chỉ mới 11 tuổi, quá bất ngờ và hụt hẫng, em học hành sa sút và là một trong những học sinh kém nhất lớp. Thấy vậy, anh Vũ nhận Hiếu về nuôi và nhờ thầy kèm cặp. Sức học của em được cải thiện dần và gia đình anh Vũ trở thành ngôi nhà thứ 2 của em.

Hiếu về nhà anh Vũ và gọi anh bằng chú, do trải qua nhiều biến cố nên tính cách em  khá trầm, sống nội tâm và ít nói. Học lực của em khá tốt, tuy nhiên, không muốn tốn tiền gia đình, em chọn học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên để nhẹ một phần chi phí. Ngoài đi học, em còn đi làm thêm để trang trải tiền học hành, sách vở.

“Chú Vũ rất thương em, thường khuyên em cố gắng học hành để sau này tự lo được cho bản thân. Em may giỏ xách, bao bì để có thêm thu nhập ngoài giờ học. Em cũng hay về nhà thăm mẹ vì gần chỗ làm thêm. Cha mẹ ly hôn khi em còn nhỏ, em rất buồn nên em hy vọng người lớn hãy suy nghĩ đến các con trước khi quyết định chia tay. Em muốn thi vào ngành Luật để sau này có thể giúp đỡ, hàn gắn những gia đình sắp đổ vỡ. Em cũng mong sau này sẽ tìm lại được cha mẹ ruột”.

Cậu con trai nhỏ là cVăn Vũ Kỳ (SN 2008) đang học lớp 2 Trường Tiểu học Hòa Bình. Vũ Kỳ được chị ruột của anh Vũ xin về làm con nuôi từ khi còn ẵm ngửa vì vợ chồng chị không có con. Tuy nhiên, gia đình bên chồng chị không nhận nuôi cháu, anh Vũ lại đưa bé về chăm sóc. Là đàn ông, anh Vũ lại chưa lập gia đình nhưng may mắn là có mẹ và các em giúp chăm sóc cháu. Giờ đây, Vũ Kỳ được 7 tuổi, rất ngoan và lễ phép, là niềm tự hào của anh và cả gia đình.

Sức khỏe của Vũ Kỳ không tốt hay ốm đau lặt vặt nên anh rất lo lắng. Chăm trẻ cực là vậy, dạy con khó là vậy, động lực lớn nhất của anh là được thấy con ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày… Có lúc, anh cũng chạnh lòng nghĩ đến hạnh phúc riêng, nhưng có lẽ, nhiều người “e dè” khi đến với anh thì phải gánh vác thêm trọng trách chăm lo cho các cháu.

Anh chia sẻ: “Giờ đây, hạnh phúc của tôi chính là được thấy con trưởng thành, chăm ngoan, lễ phép. Công việc của tôi đi sớm, về muộn, thời gian eo hẹp nhưng lúc nào rảnh thì tranh thủ kèm cháu học hay chơi đùa cùng cháu. Trẻ con, thương ai, ghét ai đều mạnh dạn bày tỏ. Có khi, nghe con nói câu “Con thương ba!” thì bao nhọc nhằn trong tôi đều tan biến!”

Người cha bất đắc dĩ ấy vẫn luôn hài lòng với những gì đang có. Với anh, tổ ấm của mình chính là ngày ngày, sau thời gian làm việc vất vả lại được nghe tiếng ê a học bài, tiếng cười đùa của con lúc chạy giỡn cùng các bạn. Không nhất thiết phải lập gia đình, sinh con mới được làm cha, với anh, tiếng gọi “cha” mà các con dành cho cũng thiêng liêng như bao người cha khác!./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết