Thiếu máu là bệnh gì?
Thiếu máu hay còn gọi là anemia là tình trạng giảm số lượng hồng cầu hoặc nồng độ hemoglobin (HGB) trong máu. Điều này dẫn đến sự giảm khả năng của máu mang oxy và các chất dinh dưỡng đến các cơ quan và mô trong cơ thể. Đây là tình trạng rất thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Vì sao bị thiếu máu?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu. Để chẩn đoán thiếu máu, cần phải tìm hiểu rõ các vấn đề di truyền, dịch tễ, tuổi, yếu tố nghề nghiệp... để tìm ra nguyên nhân. Nguyên nhân dẫn tới thiếu máu có thể kể đến như:
- Sự thiếu hụt sắt trong cơ thể (thiếu máu sắt).
- Thiếu axit folic hoặc vitamin B12.
- Các vấn đề về sản xuất hồng cầu trong tủy xương.
- Hủy hồng cầu nhanh chóng hơn mức bình thường do các bệnh lý.
- Mất máu lớn do chấn thương, phẫu thuật hoặc kinh nguyệt ở phụ nữ.
BSCKI Lại Thị Hương giải đáp về các biểu hiện thiếu máu và cách điều trị.
Thiếu máu có thể gặp ở một số đối tượng như phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mạn tính, người có chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, trong gia đình có người mắc các bệnh về máu... Để chẩn đoán thiếu máu, người bệnh cần thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa.
Biểu hiện thiếu máu
Thiếu máu có thể được chia thành ba mức độ dựa trên tính nghiêm trọng của bệnh:
- Thiếu máu nhẹ: Nồng độ hemoglobin trong khoảng 10-13 g/dL ở nam giới và 10-12 g/dL ở nữ giới.
- Thiếu máu vừa: Nồng độ hemoglobin trong khoảng 8-10 g/dL.
- Thiếu máu nặng: Nồng độ hemoglobin thấp hơn 8 g/dL.
Tùy vào mức độ thiếu máu, người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Một số biểu hiện của thiếu máu bao gồm:
- Mệt mỏi
- Hơi thở nhanh
- Da nhợt nhạt
- Chóng mặt, buồn nôn
- Suy giảm năng lượng và hiệu suất làm việc giảm.
Nếu không điều trị, thiếu máu có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Điều trị thiếu máu bằng cách nào?
Việc điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Nguyên nhân điều trị bệnh thiếu máu và điều trị trong một số trường hợp thiếu máu do các nguyên nhân cụ thể bao gồm:
- Nếu do thiếu sắt: Bổ sung sắt qua thực phẩm hoặc thuốc bổ sung sắt.
- Nếu do thiếu acid folic hoặc vitamin B12. Uống thuốc bổ sung hoặc thực hiện các liệu pháp điều trị cụ thể.
- Trong một số trường hợp thiếu máu nghiêm trọng, người bệnh có thể cần truyền máu để nhanh chóng cải thiện tình trạng.
- Nếu trong trường hợp mất máu qua đường tiêu hóa, sẽ phải dùng các loại thuốc điều trị.
Người bị thiếu máu nên ăn gì, kiêng gì?
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh thiếu máu, bệnh nhân sẽ có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong trường hợp bệnh nhân thiếu sắt, thiếu acid folic hoặc vitamin B12 sẽ bổ sung các thực phẩm vào chế độ ăn. Ví dụ, bệnh nhân thiếu sắt, sẽ bổ sung các thực phẩm có màu đỏ như thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, các loại đậu, các loại hạt...
Nếu thiếu vitamin B12 có thể bổ sung các loại thực phẩm như nội tạng động vật, cá hồi, trứng và các chế phẩm từ sữa...
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần truyền máu để nhanh chóng cải thiện tình trạng.
Thiếu máu có nguy hiểm không?
Tình trạng thiếu máu có thể gặp ở nhiều đối tượng và nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu không được điều trị, thiếu máu có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Thiếu máu nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực cho sức khỏe, bao gồm:
- Mệt mỏi và suy giảm hiệu suất làm việc.
- Cơ thể cảm thấy yếu ớt.
- Tăng nguy cơ suy tim.
- Nguy cơ sinh non và tử vong tăng lên đối với phụ nữ mang thai.
Người mắc bệnh thiếu máu không nên tự ý bổ sung sắt hoặc dùng các thực phẩm chức năng có công dụng bổ máu trên thị trường mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc hoặc bổ sung có thể gây tác động phụ. Đồng thời làm gia tăng nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe. Nếu bổ sung thừa các chất sắt, acid folic hoặc vitamin B12 sẽ xảy ra tình trạng ứ sắt, thừa các vi lượng khác trong cơ thể. Từ đó có thể gây ra các tình trạng hoa mắt, chóng mặt, run chân tay…
Thiếu máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn là nguy cơ gây trầm trọng hơn các bệnh lý khác. Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra thiếu máu và đề xuất phương pháp điều trị thích hợp. Nếu có biểu hiện của thiếu máu, người bệnh nên tìm kiếm tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa huyết học hoặc bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại các cơ sở y tế uy tín./.
Theo suckhoedoisong.vn