Thắng lợi ngoại giao của tất cả các bên
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 hôm 14/7 được xem là một trong những diễn biến ngoại giao được mong đợi nhất trên thế giới năm 2015 . Hạn chót cho việc ký kết thỏa thuận này đã được gia hạn tới 4 lần, trong đó có hai lần trong vòng hai tuần qua đã cho thấy tầm quan trọng của nó.
Ngày 14/7, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran đã được ký kết. Theo thỏa thuận này, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran sẽ được giữ nguyên trong 5 năm nữa. Iran cũng đồng ý chỉ sở hữu không quá 300 kg uranium được làm giàu ở mức 3,67% trong vòng 15 năm tới và tất cả các hoạt động làm giàu uranium này chỉ được giới hạn ở cơ sở hạt nhân Natanz.
Một trong những điểm chính gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình đàm phán là Cơ chế kiểm tra (cơ chế này quy định việc cho phép các chuyên gia giám sát chương trình phát triển hạt nhân của Iran - PV) cũng đã được khắc phục.
Cũng theo thỏa thuận vừa được ký kết, một Ủy ban hỗn hợp gồm các nước P5+1, Iran và EU cũng sẽ được thành lập để kiểm soát việc thực hiện thỏa thuận. Tehran cũng đồng ý đáp ứng các điều kiện để các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ( IAEA) thanh sát các cơ sở hạt nhân và quân sự của mình mà không bị cản trở.
Dự kiến thỏa thuận hạt nhân mới được ký kết sẽ được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét ngay sau khi đàm phán kết thúc và nó sẽ có hiệu lực 90 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết phê chuẩn thỏa thuận này.
Nếu thỏa thuận này được thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran sẽ dần được dỡ bỏ trong thời gian sớm nhất là vào nửa đầu năm 2016.
Các bên tham gia đàm phán đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran (Ảnh: Reuters).
Mỹ có thêm “đồng minh” trong cuộc chiến chống IS?
Các cuộc đàm phán giữa P5+1 và Iran được tiến hành từ năm 2006 nhưng không thể kết thúc vì các bên liên quan thường cáo buộc nhau phá hoại tiến trình đàm phán này. Chính vì vậy, thỏa thuận vừa đạt được có thể xem là một thắng lợi trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry - những người từ lâu luôn khẳng định rằng, Iran sẽ không thể sở hữu bom hạt nhân.
Hiện chính sách Trung Đông của chính quyền Obama đang bị chỉ trích bởi một loạt những thất bại, trong đó có thất bại vì không ngăn chặn sự lan rộng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay mối quan hệ trở nên lạnh giá với Ai Cập. Chính vì vậy, thỏa thuận hạt nhân Iran vừa đạt được có thể là một “điểm cộng” bù đắp cho những hạn chế của chính sách Trung Đông này.
Thỏa thuận hạt nhân được xem là rất quan trọng đối với Mỹ ở chỗ nó có thể giúp nước này tranh thủ sự ủng hộ của Tehran trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Trên thực tế, việc Washington tăng cường đàm phán với Iran trong năm 2015 và sẵn sàng “lờ đi” thời hạn chót trong quá trình đàm phán cũng dễ hiểu trong bối cảnh liên quân do Mỹ đứng đầu đang gặp khó trong việc cố gắng ngăn chặn sự lây lan của IS.
Trên thực tế, các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu chống lại IS chỉ mang lại những kết quả hạn chế. Việc sử dụng sức mạnh không quân hóa ra không mấy tác dụng khi đối phó với những kẻ cực đoan hiện đang chiếm giữ nhiều vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria. Chính vì vậy, sự trợ giúp của Iran được xem là rất quan trọng trong cuộc chiến ở hai nước này.
Tại Iraq - quốc gia có chung đường biên giới với Iran - những người nắm vai trò quan trọng về quân sự thường là người Shitte chứ không phải người Sunni. Điều này có nghĩa là các cố vấn quân sự người Iran sẽ có ảnh hưởng đối với người Shitte và sẽ giúp huy động lực lượng dân quân người Shitte chống IS.
Ở Syria, Iran được coi là đồng minh chính của Tổng thống Bashar al-Assad và có tầm ảnh hưởng nhất định tại quốc gia này. Chính vì vậy, Iran không muốn có một chế độ Sunni mà các nước GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh) hậu thuẫn thay thế chính phủ do người Shiite đang nắm quyền hiện nay.
Mặc dù Israel ngay lập tức lên tiếng phản đối việc Iran và P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân và coi đây là một "sai lầm lịch sử". Tuy nhiên sự phản đối này của Thủ tướng Israel được đánh giá là khá “nhẹ nhàng” bởi Israel hiểu rằng sẽ không thể đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo mà không có sự trợ giúp của Iran.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà hồi đầu năm, nhiều báo cáo cho rằng lực lượng quân sự của Iran đang hoạt động tại Iraq. Thậm chí có những hình ảnh được công bố cho thấy chỉ huy của Lực lượng Qods (một đơn vị tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran) Qassem Soleimani đã dẫn đầu lực lượng dân quân người Shiite trong cuộc tấn công nhằm chiếm lại thành phố Tikrit, Iraq từ tay IS.
Có ý kiến cho rằng, những báo cáo và hình ảnh trên có thể đã bị "rò rỉ" một cách cố tình để chứng minh với P5+1 nói chung và Mỹ nói riêng rằng, Iran đang nhận được sự ủng hộ rất lớn ở Iraq và có thể là một đối tác tuyệt vời trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Đại diện của Iran và EU vui mừng khi đạt được thỏa thuận hạt nhân (Ảnh: Reuters)
Nga sẽ hưởng lợi trong việc đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu
Hiện đang có rất nhiều đồn đoán về việc Nga sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, cũng như vai trò của Nga trong thị trường năng lượng toàn cầu. Ngay sau khi thỏa thuận này được công bố, Nga đã lập tức nêu rõ rằng, nước này không thể bị xem là bên thua cuộc trong cuộc đàm phán hạt nhân Iran.
Trên thực tế có vẻ như Nga đã phát hiện ra một số lợi ích bất ngờ trong tình hình hiện nay. Ngay sau thông báo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc nhở thế giới rằng: Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hứa sẽ từ bỏ kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu nếu đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran.
"Tất cả chúng ta đều nhớ rằng, vào tháng 4/2009 tại Praha (Séc), Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố rằng, nếu chương trình hạt nhân của Iran được giải quyết thì việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn", ông Lavrov phát biểu tại Vienna (Áo).
Nga có thể sẽ sử dụng đòn bẩy mới này để đối phó với Mỹ khi mà các vấn đề an ninh châu Âu luôn đứng đầu chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán song phương.
Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được công bố, cả giá dầu và đồng rúp của Nga có giảm nhưng không đáng kể. Việc đạt được thỏa thỏa thuận hạt nhân cũng sẽ không khiến cho thị trường dầu mỏ có những thay đổi đáng kể chỉ trong vòng một đêm. Các biện pháp trừng phạt Iran sẽ tiếp tục được giữ nguyên trong ít nhất là 3 tháng nữa, đồng nghĩa với việc Nga sẽ có thời gian để điều chỉnh với bất cứ thay đổi nào trên thị trường.
Iran đã tuyên bố rằng, nước này có thể tăng sản lượng khai thác dầu mỏ của mình lên mức 1triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Tuy nhiên, con số 1 triệu thùng này cũng chỉ chiếm 1% sản lượng khai thác dầu toàn cầu và nhiều khả năng trong ngắn hạn, thỏa thuận hạt nhân sẽ không tác động nhiều đến thị trường dầu mỏ.
Bên cạnh đó, Iran hiện đang có khoảng 10 triệu thùng dầu thô trong kho dự trữ và nước này sẽ cố bán ra một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Bên cạnh đó, Iran cũng sẽ chuyển hướng một phần số dầu đang bán trong nước (với giá hỗ trợ) cho các khách hàng quốc tế. Tuy nhiên điều này cũng sẽ không dẫn đến những thay đổi đáng kể trên thị trường dầu thế giới.
Theo các nhà phân tích, về mặt chiến lược, Iran không thể từ bỏ Nga với vai trò đối tác để bắt đầu mối quan hệ mới với phương Tây. Theo thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được, các biện pháp trừng phạt đối với Iran có thể được tái áp đặt trong vòng 65 ngày nếu như nước này không tuân thủ thỏa thuận. Chính vì vậy trong trường hợp Tehran lựa chọn việc thay đổi chính sách đối ngoại của mình và nếu cảm thấy “bị phản bội”, Nga có thể sẽ có một lập trường cứng rắn hơn trong quá trình giám sát Iran.
Thực tế hiện nay cho thấy Iran không có ý định rời bỏ “quỹ đạo” của Nga. Điều này được chứng minh bằng việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa tham gia các Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Ufa, Nga. Một loạt các cuộc gặp giữa ông Rouhani với các quan chức Nga và Trung Quốc đã cho thấy những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Iran.
Cho đến nay Iran chưa thể gia nhập SCO do lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, thực tế thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được không chỉ mở ra cánh cửa hợp tác cho Iran với phương Tây mà còn mở ra những cơ hội mà Iran chưa khai thác với phương Đông./.
Nguyễn Hùng/VOV.VN