Để có quỹ đất thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh quan tâm thúc đẩy các nhà đầu tư hạ tầng tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thiện các khu công nghiệp được quy hoạch
Toàn tỉnh có 35 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích gần 12.000ha; có 27 KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với diện tích gần 8.800ha.
Đến nay, có 16 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch gần 3.800ha. Trong đó, diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê gần 2.700ha, hiện cho thuê gần 2.400ha (lấp đầy đạt 89,55%), chưa cho thuê là 306ha, đủ điều kiện cho thuê lại là 144ha. Một số KCN còn diện tích đất công nghiệp nhiều, có khả năng cho thuê như KCN Xuyên Á, KCN Tân Đức, KCN Vĩnh Lộc 2, KCN Phú An Thạnh.
Thời gian qua, trước thực tế quỹ đất đủ điều kiện cho thuê trong các KCN còn ít nên tỉnh chú trọng thúc đẩy các nhà đầu tư hạ tầng tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thiện các KCN được quy hoạch để thu hút đầu tư. Hiện nay, có 7 KCN xây dựng hạ tầng kỹ thuật và diện tích đất công nghiệp đủ điều kiện cho thuê là 455ha. Cụ thể, KCN Long Hậu 3 (giai đoạn 1) có khoảng 40ha, KCN Đông Nam Á có khoảng 38ha, KCN Cầu cảng Phước Đông có khoảng 92ha, KCN Hựu Thạnh có khoảng 120ha, KCN Trần Anh Tân Phú có khoảng 40ha, KCN Việt Phát có khoảng 133ha, KCN Đức Hòa III - Slico có khoảng 70ha. Song song với đầu tư xây dựng hạ tầng, nhiều chủ đầu tư KCN đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư thứ cấp về việc cho thuê đất.
Dự án KCN Cầu cảng Phước Đông (huyện Cần Đước) do Cty IMG Phước Đông làm chủ đầu tư khánh thành cuối tháng 3/2021. KCN này có diện tích gần 129ha, gồm hơn 92ha đất công nghiệp với nhà xưởng xây sẵn và kho bãi. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IMG - Lê Từ Minh cho biết, KCN Cầu cảng Phước Đông nằm ở vị trí giao thông thuận tiện cả về đường bộ và đường thủy nên rất thuận lợi thu hút đầu tư. Về đường bộ, dự án có Đường tỉnh 826B đi qua, kết nối Quốc lộ 50, TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Về đường thủy, khu vực này có chiều dài giáp sông Vàm Cỏ hơn 3km và cầu cảng trong tương lai.
Thông tin về thu hút đầu tư của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được thường nhấn mạnh, tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh/thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có biên giới, cửa khẩu quốc tế, cảng biển,... Đó là những yếu tố thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Những năm qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị làm động lực cho sự phát triển.
Tỉnh luôn quan tâm công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh quan tâm đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng tiến hành đầu tư xây dựng hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch để thu hút đầu tư. Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, tính đến nay, các KCN của tỉnh đã thu hút được gần 1.700 dự án, trong đó có 814 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký và điều chỉnh tăng vốn gần 5 tỉ USD và 870 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký và điều chỉnh tăng vốn gần 95.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho gần 200.000 lao động. 9 tháng năm 2021, các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước hơn 3.900 tỉ đồng.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh - Nguyễn Thành Thanh, trong công tác lập quy hoạch xây dựng các KCN để triển khai đầu tư, bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết dự án KCN trên địa bàn tỉnh đều gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, việc này ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án, đôi khi phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng để phù hợp thực tế do không thể giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai quy hoạch phân khu 1/2.000 các KCN, do sai số trong quá trình trích lục và trích đo thực tế nên nhiều KCN bị sai lệch diện tích so với diện tích quy hoạch đã được phê duyệt. Việc thực hiện thủ tục điều chỉnh diện tích này trước đây phải lấy ý kiến các bộ, ngành nên kéo dài và mất nhiều thời gian của doanh nghiệp.
Với những vấn đề trên, trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 sẽ là điều kiện để rà soát chuẩn hóa cập nhật diện tích thực tế của các quy hoạch, trong đó có quy hoạch các KCN. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai, thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Đây cũng là thời điểm đánh giá rà soát các quy hoạch không còn phù hợp với thực tiễn để kịp thời tháo gỡ nhằm cởi trói cho doanh nghiệp./.
Vũ Quang