Tiếng Việt | English

14/02/2025 - 19:34

Thủ tướng: Bỏ công an cấp huyện, một số cán bộ đưa lên tỉnh, số còn lại đưa về xã phường

Việc không vận hành công an cấp huyện và tổ chức lại bộ máy để một số cán bộ đưa về tỉnh, còn lại đa số sẽ đưa về cấp cơ sở, là cấp gần dân nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tổ chiều 14/2 - Ảnh: NGỌC AN

Chiều 14/2, tại phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 8%, các dự án hạ tầng giao thông đường sắt, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chia sẻ những nỗ lực, động lực để thúc đẩy tăng trưởng nhằm đạt mục tiêu năm nay.

Tất cả cùng chung tay cho tăng trưởng, khó mấy cũng phải làm

Theo Thủ tướng, việc thúc đẩy tăng trưởng để đạt hai mục tiêu trăm năm (100 năm thành lập nước và 100 năm thành lập Đảng) là yêu cầu khách quan, tất yếu. Đặt trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, căng thẳng thương mại và nguy cơ chiến tranh thương mại, nối tiếp sau những khó khăn như dịch bệnh COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, cơn bão Yagi... mà ông cảm thấy "chưa lúc nào bình yên".

Trong khi đó, đất nước có quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn và độ mở cao, nền kinh tế đang chuyển đổi nên Thủ tướng cho rằng với yêu cầu đòi hỏi phát triển, việc đạt được mục tiêu được đánh giá là rất khó khăn.

"Tinh thần khó mấy cũng phải làm, không làm không được. Chúng ta phấn đấu tăng trưởng vì dân giàu nước mạnh, vì nhân dân, chứ không phải là đặt ra mục tiêu dễ dàng để dễ thực hiện, không thể tăng trưởng bình bình mãi được" - ông khẳng định.

Theo đó, Thủ tướng cho biết đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương với tinh thần cả nước phải tăng trưởng, các ngành tăng trưởng, doanh nghiệp tăng trưởng thì mới đạt mục tiêu. Tức là tất cả phải hành động, tập trung cho mục tiêu tăng trưởng.

Để đạt mục tiêu, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc sẽ tạo ra không gian sáng tạo cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và các ngành liên quan để tất cả cùng chung tay vào cuộc cho mục tiêu chung.

Trong đó sẽ có chính sách để thúc đẩy tín dụng với mức tăng trưởng cao, kết hợp chính sách tài khóa, thu chi ngân sách, ưu đãi thuế phí tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Do đó, ông cho rằng cần phải chấp nhận hy sinh một phần với mức lạm phát cao hơn.

Tiếp theo là thúc đẩy đầu tư công, trong bối cảnh giải ngân còn chậm. Thủ tướng nhấn mạnh việc tháo gỡ vướng mắc đầu tư, sửa đổi nhiều luật liên quan như đầu tư công, đấu thầu, đầu tư để đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, gồm đột phá thể chế, đột phá hạ tầng giao thông chiến lược và đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó với đột phá hạ tầng sẽ làm các tuyến đường sắt như tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM.

Việc triển khai các dự án này sẽ gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực và vốn hợp lý, có cơ chế chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí, không để dự án đội vốn, kéo dài và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ nhân dân tốt hơn

Một giải pháp nữa được Thủ tướng nhấn mạnh là vừa làm mới động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, vừa thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trong đó Chính phủ sẽ thể chế hóa, và có chương trình hành động triển khai nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động để phát triển nhanh và bền vững.

Với quan điểm tổ chức thực hiện là khâu yếu, Thủ tướng cho rằng điều quan trọng là quản lý, vận hành, tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả. Dẫn chứng từ việc triển khai đường dây 500kV mạch 3 chỉ thực hiện 6 tháng so với trước đây làm mất 3-4 năm; dự án sân bay Long Thành tổ chức làm hiệu quả trong 2 năm gần đây, hay việc đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh tổng nguồn điện không thay đổi cho thấy cần tổ chức vận hành hiệu quả.

Cùng các giải pháp trọng tâm trên, Thủ tướng cho biết việc cải cách, tổ chức sắp xếp bộ máy cũng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm thủ tục hành chính và bỏ cơ chế xin cho.

"Bởi khi cắt đi một cấp là bớt đi một thủ tục, cộng với số hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng hoạt động. Từ bộ máy đến bố trí sắp xếp nhân sự, nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tăng cường cho cơ sở" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông nhắc đến về việc tại sao phải bỏ công an cấp huyện khi chỉ ra thực tế hiện nay mỗi huyện đang có trên dưới 100 cán bộ. Việc không vận hành công an cấp huyện và tổ chức lại bộ máy để một số cán bộ đưa lên tỉnh, còn lại đa số sẽ đưa về cấp cơ sở, là cấp gần dân nhất.

Theo Thủ tướng, nhân dân chủ yếu ở cơ sở, ở xã phường, trong khi chúng ta phấn đấu mục tiêu vì dân, vì nước thì cần phải chăm lo cho nhân dân về đời sống vật chất tinh thần, tức là phải tăng cường lực lượng ở cơ sở.

Việc cải cách bộ máy hành chính là phục vụ cho phát triển, với mục tiêu cuối cùng là người dân hạnh phúc ấm no, đất nước hùng cường, giàu mạnh, xã hội văn minh và phát triển. Vì thế, Thủ tướng cho rằng tới đây còn nhiều việc phải làm nên cần sự đồng thuận, quyết tâm, đoàn kết, thống nhất./.

Theo tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-tuong-bo-cong-an-cap-huyen-mot-so-can-bo-dua-len-tinh-so-con-lai-dua-ve-xa-phuong-20250214153521183.htm

Chia sẻ bài viết