Tiếng Việt | English

30/12/2015 - 05:01

Thủ tướng: “Cứ xách cặp chạy suốt Hà Nội mà xin vốn là không được đâu”

Chúng ta buộc phải đột phá kết cấu hạ tầng nhưnng chỉ nhìn vào ngân sách, trái phiếu thì không đủ mà bắt buộc phải huy động từ xã hội hóa.

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu năm 2015 và nêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2016.


Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược; từng bộ ngành, địa phương phải triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện 3 đột phá chiến lược. Theo đó không ngừng hoàn thiện thể chế để một mặt quản lý nhà nước được chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả hơn, mặt khác là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, sinh sống, phát triển sản xuất kinh doanh cũng như tăng khả năng huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn cho phát triển, đây cũng là đóng góp tích cực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng phải hết sức chú ý xây dựng, tạo ra cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ xã hội, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đột phá về nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

“Tôi ví dụ, thể chế kinh tế chúng ta cũng còn nhiều vướng mắc. Trong các phát biểu từ hôm qua tới nay còn rất nhiều cái vướng mắc chứ không phải đã suôn sẻ. Thủ tục hành chính, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh cũng còn nhiều vướng mắc. Chúng ta không thể hài lòng với kết quả vừa qua chúng ta đạt được là đứng trong nhóm ASEAN 6 mà phải đứng vào nhóm hàng đầu. Hay nói về đột phá thể chế, nhiều lần tôi trao đổi với các Bộ trưởng về chính sách, cơ chế. Các đồng chí vừa nói, một dự án nhỏ mà hơn 100 ngày mới làm được thì bây giờ làm sao? Bao nhiêu ngày đó người ta lên vũ trụ về rồi” – Thủ tướng nói.

Đặc biệt, Thủ tướng đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương phải dồn sức thực hiện việc cải cách thể chế, không trông chờ nhiều vào nguồn vốn ngân sách trung ương mà phải huy động các nguồn vốn từ xã hội hóa: “Tháng 3 tới, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch 5 năm trong đó có đầu tư trung hạn, trái phiếu. Nhưng nhìn vào ngân sách thì không đủ mà chúng ta buộc phải đột phá những kết cấu hạ tầng và chúng ta chỉ nhìn vào ngân sách, trái phiếu thì không đủ. Cứ xách cặp chạy suốt Hà Nội mà xin dự án là không được đâu”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng và trái cơ cấu nông nghiệp. Tái cơ cấu đầu tư công phải gắn liền với bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia, bảo đảm đầu tư công được hiệu quả hơn. Tái cơ cấu doanh nghiệp không chỉ ở cổ phần hóa, rút vốn vốn đầu tư ngoài ngành mà còn ở nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Trong tái cơ cấu doanh nghiệp, cần hết sức lưu ý, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa đến việc tổ chức, sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh. Thủ tướng yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương cần sớm phê duyệt việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp nhằm đảm bảo 2 yêu cầu là nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và kiểm soát tốt biên chế.

Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ. Khuyến khích mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa dịch vụ.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân… theo phương châm triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các giải pháp, không coi nhẹ lĩnh vực nào, trong đó cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm cân đối, huy động các nguồn lực, đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên cũng như 16 chương trình mục tiêu khác.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Từ những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành thời gian qua, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết