Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa
Cửa ngõ giao thương
Một ngày giữa tháng 7, tại CKQT Bình Hiệp, từng đoàn xe container nối đuôi đậu thành hàng dài chờ làm thủ tục thông quan. Để thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp (DN), Chi cục Hải quan CKQT Bình Hiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành, hỗ trợ DN thực hiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến của ngành; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; hướng dẫn thực hiện các thủ tục thanh toán thuế, phí, lệ phí bằng phương thức điện tử giúp cho việc thông quan hàng hóa được nhanh chóng.
Anh Nguyễn Văn Đức, đại diện Công ty (Cty) TNHH Giấy Lee&Man (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), cho biết: Cty chuyên xuất khẩu mặt hàng giấy carton dạng cuộn, khoảng 3-4 ngày xuất 1 lần, mỗi lần từ 5-7 container (trên 100 tấn hàng hóa). Tại CK, cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa theo quy định, nhanh chóng, kịp thời, không bị ùn tắc, từ đó việc kinh doanh của Cty không bị ảnh hưởng.
Thông tin từ Chi cục Hải quan CKQT Bình Hiệp, hiện có trên 20 DN đến làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là giày các loại, mốp xốp, dây cáp điện, mì ăn liền; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là xoài và nguyên phụ kiện để sản xuất giày. Số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua CKQT Bình Hiệp chưa nhiều, mỗi ngày có khoảng 60 container và trên 100 người qua lại để trao đổi hàng hóa, thăm thân nhân và du lịch.
Tại CK Mỹ Quý Tây, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới ổn định. Công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa tại CK và công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa xuất, nhập cảnh được thực hiện đúng quy định pháp luật, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và khách xuất, nhập cảnh.
Anh Yieng Phano, người Campuchia thường sang Việt Nam mua bán, cho biết, nhiều năm qua, anh thường đặt hàng (rau, củ, quả, mì gói) bên phía Việt Nam, hàng ngày qua lấy đem về bán lại cho người dân địa phương.
Người dân biên giới trao đổi hàng hóa qua Cửa khẩu Mỹ Quý Tây
Theo Thượng úy Đoàn Nguyên Khang - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mỹ Quý Tây, hàng ngày, có khoảng 600-700 lượt người xuất, nhập cảnh (trao đổi hàng hóa, du lịch, khám bệnh, thăm thân,...) qua CK. Trong đó, có khoảng 10-15 lượt người (chủ yếu các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ, lẻ) trao đổi hàng hóa. Hàng hóa chủ yếu là nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân 2 bên biên giới.
Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Tỉnh xác định Khu kinh tế CK Long An là khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; đầu mối giao thương kết nối các tiểu vùng sông Mê Kông của Campuchia với TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Để khai thác tiềm năng kinh tế biên mậu khu vực biên giới, tỉnh quy hoạch Khu kinh tế CK Long An có diện tích trên 168ha. Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thành và đưa vào hoạt động khu trạm kiểm soát liên hợp, bãi xe, đường giao thông kết nối bến thủy nội địa,... Tất cả hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực CK đã hoàn chỉnh, đáp ứng tốt hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua CK. Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa và hàng quá cảnh sang Campuchia thông quan qua CKQT Bình Hiệp chưa nhiều.
Về công nghiệp, mới thu hút được 2 DN vào Khu kinh tế CK Long An đầu tư nhà xưởng hoạt động trên diện tích trên 23ha, giải quyết việc làm trên 2.300 lao động khu vực biên giới Kiến Tường và các địa phương lân cận. Đối với khu vực trung tâm thị xã Kiến Tường, địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Sân Bay giai đoạn 2 gắn với khu biệt thự nhà vườn và mở rộng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu dân cư khu phố 5, phường 2,... để phấn đấu đưa thị xã Kiến Tường đạt đô thị loại III vào năm 2025.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, khó khăn đang làm kinh tế khu vực biên giới chậm phát triển là Quốc lộ (QL) 62 nối với QL1 đi đến CKQT Bình Hiệp dài khoảng 76km nhỏ, hẹp, mặt đường xuống cấp làm ảnh hưởng đến việc thu hút DN đầu tư vào khu kinh tế CK, các khu đô thị trung tâm thị xã Kiến Tường nói riêng và các huyện khu vực biên giới của tỉnh nói chung. Về phía địa phương đã chuẩn bị tất cả phương án đón đầu khi QL62 hoàn thành, đưa vào hoạt động là quy hoạch khu trung tâm thương mại, khu dân cư hiện đại và đầu tư hạ tầng giao thông kết nối từ khu kinh tế CK với QL62.
Quốc lộ 62 nhỏ, hẹp ảnh hưởng đến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Long An
Để thúc đẩy KT-XH khu vực biên giới phát triển nói riêng và của cả huyện nói chung, thời gian qua, huyện Đức Huệ luôn quan tâm đến thương mại biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trao đổi, giao thương hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật và phục vụ tốt nhu cầu của người dân thông qua các cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, huyện tổ chức quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng CK và hệ thống giao thông,...
Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đức Huệ - Trần Minh Hiểu cho biết: Nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới trong thời gian tới, huyện tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư sớm thực hiện hoàn thành dự án Cụm công nghiệp và Khu tái định cư Đại Quang; tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư xây dựng Trạm trung chuyển (logistics), mở rộng, nâng cấp chợ Tho Mo, đầu tư một số tuyến đường giao thông kênh Trường Hát, Tho Mo - Voi Đình,.../.
K. Cường