Những năm qua, thiên tai xuất hiện nhiều và diễn biến bất thường, khó lường, gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là cơn mưa lớn kèm theo gió, lốc xoáy đã làm cho 354 căn nhà bị tốc mái; làm gãy đổ 7 trụ điện trung thế, 4 trụ điện hạ thế, tốc mái 1 trường học trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Long An, tổng thiệt hại khoảng trên 1,4 tỉ đồng.
Trước đó, trên địa bàn huyện Cần Giuộc, xảy ra 2 điểm sạt lở nghiêm trọng: Điểm sạt lở thứ nhất tiếp giáp giữa sông Cần Giuộc với Đường tỉnh 826C sạt lở khoảng 36m, làm sụt lún 7 căn nhà của 2 hộ dân, tổng thiệt hại gần 1,4 tỉ đồng. Điểm sạt lở thứ hai tại vị trí rạch Bàu Le giáp sông Kênh Hàn, thuộc ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, làm cắt đứt hoàn toàn tuyến đường dân sinh của 16 hộ dân sinh sống bên trong,...
Để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với các tình huống thiên tai, thảm họa, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 2603/CT-UBND, ngày 13/9/2023 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2023, với mục tiêu thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, tránh tư tưởng chủ quan dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc do thiên tai gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, phát triển bền vững KT-XH của tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh) tổ chức xây dựng, rà soát phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai sát với tình hình thực tế; phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2023. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố công trình thủy lợi, đê điều, PCTT do ngành quản lý; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong hoạt động PCTT, từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Trường hợp có sự cố thiên tai xảy ra, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cử lãnh đạo đến trực tiếp địa bàn chủ động xử lý, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác TKCN khi có sự cố xảy ra; tổ chức phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng, đơn vị, địa phương, liên tỉnh, liên quốc gia để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bảo vệ an ninh, an toàn vùng biên giới, nhất là trong trường hợp có thiên tai xảy ra; phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức huấn luyện, đào tạo, diễn tập nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó sự cố thiên tai và TKCN cho lực lượng tham gia. Công an tỉnh chủ trì xây dựng phương án bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi xảy ra thiên tai.
UBND tỉnh cũng giao Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt; chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư y tế và cơ số thuốc để đáp ứng nhu cầu cứu thương, chăm sóc sức khỏe cho người dân, phòng ngừa dịch bệnh và khắc phục môi trường sau thiên tai; phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho lực lượng tại chỗ làm công tác TKCN.
Theo Chỉ thị số 2603, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải kịp thời tổ chức thăm hỏi, thực hiện cứu trợ theo chế độ quy định đối với các gia đình, hộ dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đột xuất đối với những người bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.
Đặc biệt, Đài Khí tượng Thủy văn Long An cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo sớm các hình thái thời tiết và các tình huống phức tạp của thời tiết, thiên tai; cung cấp thông tin số liệu, tài liệu kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác PCTT trên địa bàn tỉnh.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh đề nghị chủ động nâng cao năng lực lãnh, chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tránh tình trạng chủ quan, lơ là trong chỉ đạo, điều hành; tổ chức hiệu quả các giải pháp phòng, tránh, ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Riêng các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tăng cường kiểm tra, chủ động gia cố hệ thống ô bao, bờ bao lửng để bảo vệ an toàn diện tích sản xuất, đề phòng lũ lớn có thể xảy ra đột biến,...
Chủ động PCTT không bao giờ là thừa. Bên cạnh các biện pháp, giải pháp của ngành chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện theo các khuyến cáo để tự bảo vệ tài sản, tính mạng của mình và gia đình. Với sự quyết liệt, khẩn trương, có trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, tin rằng thiệt hại do thiên tai gây ra sẽ giảm đến mức thấp nhất./.
Hoàng Trà