Tiện cả đôi đường
Những ngày nắng nóng, vào ban ngày, gia đình ông Lê Văn Dự (ngụ số 51 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) dùng hầu hết các thiết bị sử dụng điện để làm mát. Ông Dự cho biết: “Sau khi tìm hiểu các chính sách, quy trình, vào cuối tháng 4/2019, gia đình tôi quyết định lắp đặt ĐNLMT với thông số kỹ thuật ước tính trung bình hàng tháng sản xuất ra khoảng 270kWh. Tổng kinh phí lắp đặt ĐNLMT khoảng 40 triệu đồng”.
Gia đình ông Dự có 6 thành viên, gồm 4 người lớn và 2 trẻ em. Các thiết bị sử dụng điện mà gia đình ông dùng hàng ngày là máy lạnh, quạt máy, máy giặt, tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, bếp điện từ,... Hiện hệ thống ĐNLMT được lắp đặt cơ bản đáp ứng đủ để gia đình ông sử dụng vào ban ngày. Ông Dự cho biết thêm: “Trước khi lắp đặt ĐNLMT, gia đình tôi trả chi phí tiền điện khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Từ khi lắp ĐNLMT đến nay chưa đủ 1 tháng nhưng hiệu quả rõ rệt thông qua việc kiểm tra công-tơ điện 2 chiều ở nhà. Chắc chắn thời gian tới, chi phí sử dụng điện của gia đình tôi sẽ giảm hẳn. Ngoài ra, số điện gia đình tôi sử dụng dư từ ĐNLMT còn phát lên lưới điện và được ngành điện thanh toán lại. Tôi thấy tiện cả đôi đường”.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại nhà ông Lê Văn Dự (phường 1, TP.Tân An)
Ông Ngô Văn Phê (ngụ đường Lưu Văn Tế, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) tìm hiểu về ĐNLMT từ lâu và quyết định lắp đặt vào đầu năm 2019. Theo đó, ông lắp đặt ĐNLMT công suất 5kWp với giá gần 100 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông sử dụng điện mỗi ngày cho 4 máy lạnh, 1 máy bơm nước, máy giặt, nấu ăn, quạt máy,... nhưng điện từ ĐNLMT vẫn dư. Ông Phê nói: “Trước khi lắp ĐNLMT, bình quân mỗi tháng, gia đình tôi tốn chi phí tiền điện trên 4 triệu đồng. Nhưng từ khi có hệ thống điện này, gia đình tôi chỉ chi trả bằng 1/2 tiền điện so với thông thường”.
Ông Phê cho biết thêm, việc lắp đặt ĐNLMT ngoài giúp gia đình giảm tiền điện, còn góp phần bảo vệ môi trường. Mặt khác, tấm pin có lớp cách nhiệt làm cho căn nhà mát hơn. Ông cũng đang tính đến phương án đầu tư thiết bị tích điện để có thể dùng vào buổi tối.
Tạo thuận lợi để người dân đầu tư
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Long An - Lê Hoàng Oanh chia sẻ: “Khi người dân hay doanh nghiệp sử dụng ĐNLMT không chỉ giúp ngành điện giảm áp lực về nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Công ty Điện lực Long An sẵn sàng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt nhằm mang lại những lợi ích trực tiếp về kinh tế và môi trường”.
Hệ thống ĐNLMT nhận bức xạ mặt trời và chuyển hóa thành nguồn điện một chiều (DC). Nguồn điện này được tối ưu hóa hiệu suất chuyển đổi DC/AC cùng pha cùng tần số với điện lưới thông qua bộ chuyển đổi điện nối lưới (Grid Tie Inverter). Với bộ chuyển đổi này sẽ bảo đảm nguồn năng lượng được tạo ra từ hệ pin mặt trời sẽ được chuyển đổi ở chế độ tốt nhất nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng từ hệ pin mặt trời và cung cấp điện năng cho tải. Vào ban đêm, khi không có NLMT, các thiết bị điện trong nhà sử dụng điện lưới. Sáng sớm hoặc chiều tối, NLMT yếu, các thiết bị điện sử dụng một phần điện mặt trời và một phần điện lưới. Khi mức NLMT đạt đỉnh, hệ thống sẽ phát công suất tối đa, nếu các thiết bị điện sử dụng không hết, phần điện dư phát lên lưới điện và được ghi nhận bằng công-tơ đo đếm 2 chiều để bán cho ngành điện.
Hiện tại, người dân từ Ninh Thuận đến Cà Mau, trong đó có Long An lắp đặt hệ thống ĐNLMT áp mái được ngành điện hỗ trợ gắn công-tơ 2 chiều miễn phí để đo đếm lượng điện phát dư lên lưới điện và ký hợp đồng mua bán điện theo giá quy định tại Thông tư số 05/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 11/3/2019. Giá mua điện hệ thống ĐNLMT áp mái năm 2019 là 2.134 đồng/kWh.
Ông Lê Hoàng Oanh cho biết thêm: “Người dân an tâm khi sử dụng ĐNLMT và rất an toàn. Khi điện lưới bị mất, bộ hòa lưới từ ĐNLMT sẽ nhanh chóng ngắt kết nối với lưới điện. Điều này bảo đảm chắc chắn trong trường hợp lưới điện mất điện, hệ thống pin NLMT không phát vào lưới gây nguy hiểm cho nhân viên sửa chữa điện. Bên cạnh đó, bộ hòa lưới có chế độ thông minh, tự dò tìm và đồng bộ pha nhằm kết nối giữa điện năng tạo ra từ hệ thống pin NLMT và điện lưới”.
Theo số liệu thống kê từ Công ty Điện lực Long An, đến tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt và đưa vào vận hành 2.156,17kWp. Thời gian tới, Công ty Điện lực Long An cam kết luôn đồng hành hỗ trợ khách hàng có nhu cầu trong việc đầu tư sử dụng hệ thống ĐNLMT cụ thể: Bố trí cán bộ tư vấn, tiếp nhận hồ sơ khách hàng có nhu cầu lắp đặt sử dụng hệ thống ĐNLMT; phối hợp nhà cung cấp tổ chức nghiệm thu, lắp đặt kịp thời công-tơ 2 chiều để đưa vào khai thác vận hành hệ thống ĐNLMT,...
Với những hiệu quả thiết thực mà hệ thống ĐNLMT mang lại, hy vọng thời gian tới, điện mặt trời trở thành nguồn cung cấp góp phần giúp hệ thống điện vận hành ổn định liên tục, đáp ứng an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường sống./.
Mai Hương