Tiếng Việt | English

06/10/2015 - 11:21

LONG AN: VƯỜN ƯƠM CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐỒNG THÁP MƯỜI

Tiền đề cho chiến lược khoa học-công nghệ

Để phát triển bền vững, giải pháp tối ưu là phải thúc đẩy phát triển thương mại-dịch vụ và công nghiệp trên nền tảng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao và thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và chế biến. Để thực hiện được yêu cầu này, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã xây dựng Dự án Vườn ươm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười (ĐTM) nhằm tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong công tác lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm đặc trưng của tỉnh, có tính cạnh tranh cao.


Cơ giới hóa trong thu hoạch đậu phộng     Ảnh: Mai Hương

Lựa chọn và cơ giới hóa trong trồng trọt cây trồng chủ lực

Thời gian qua, Sở KH&CN phối hợp các ngành liên quan tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án, ứng dụng các thành tựu KH&CN và đưa vào thực tế của sản xuất, đời sống nhiều địa phương trong tỉnh. Theo đó, ngoài cây lúa, những cây trồng khác như: Mè, đậu phộng, thanh long, chanh,... là loại cây trồng được xem là tiềm năng. Để các loại cây trồng này phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho người trồng, Sở KH&CN đã tập trung nghiên cứu, lai tạo giống và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Cây mè được ví là “hoàng hậu” của các cây có dầu đang được trồng phổ biến ở một số huyện của vùng ĐTM như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa,... Đây là loại cây trồng phù hợp trên vùng đất xám (vùng đất khá nhạy cảm, nghèo dinh dưỡng, chứa ít hữu cơ, giữ nước kém). Tuy không phải là cây trồng mới nhưng cây mè đã và đang có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế ở một số địa phương. Hiện nay, chi phí sản xuất mè tại Long An cao do tập quán canh tác quảng canh, trong đó, trên 50% là chi phí lao động như: Làm đất, gieo hạt, thu hoạch như cắt, rũ đập, ra hạt, làm sạch.

Trước vấn đề trên, đầu năm 2012, Sở KH&CN phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện đề tài “Nghiên cứu và xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh mè theo hướng cơ giới hóa trên vùng đất xám ĐTM”.

Đến nay, đề tài đã kết thúc, đồng thời thu về một số kết quả khả quan như thiết kế, chế tạo và thử nghiệm 1 máy đào rãnh tưới tiêu trên ruộng trồng mè; thiết kế, chế tạo và thử nghiệm 1 máy gieo hạt mè theo hàng, cải tiến mẫu máy gặt mè; máy tách hạt mè.

Theo Phòng Quản lý khoa học thuộc Sở KH&CN, thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật và xây dựng mô hình canh tác mè theo hướng cơ giới hóa thể hiện tính mới so với các nghiên cứu trước đây. Cây mè đang được nông dân ở vùng ĐTM mở rộng diện tích giữa 2 vụ lúa Đông Xuân và Xuân Hè. Cơ giới hóa trong canh tác mè, đặc biệt trong khâu làm đất, gieo và thu hoạch là biện pháp tối ưu nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, góp phần phát triển cây mè bền vững trong hệ thống luân canh lúa Đông Xuân - mè Xuân Hè và lúa Hè Thu.


Thu hoạch giống lúa chịu phèn tại vườn ươm

Hiện nay, diện tích trồng đậu phộng toàn tỉnh trên 6.000ha. Kỹ thuật canh tác đậu phộng chủ yếu vẫn gieo trồng trên luống, thu hoạch bằng lao động thủ công. Tuy nhiên, trồng trọt và thu hoạch thủ công có nhiều nhược điểm như thiếu công lao động, tỷ lệ hao hụt cao.

Chính vì vậy, đề tài “Nghiên cứu và xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh đậu phộng có ứng dụng cơ giới hóa trên vùng đất xám Đức Hòa - Long An” được Sở KH&CN phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện với mục tiêu tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển cây đậu phộng một cách bền vững, cải thiện thu nhập và đời sống của nông dân trồng đậu phộng. Theo đó, quy trình kỹ thuật thâm canh và mô hình canh tác cây đậu phộng có ứng dụng cơ giới hóa đạt năng suất tối thiểu 3.000kg/ha và hiệu quả kinh tế tăng thêm 15-20% so với kỹ thuật canh tác truyền thống của nông dân.

Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã nghiên cứu và sản xuất máy gieo đậu, máy đào đậu và máy bứt đậu phộng. Các máy này được gắn vào một máy cày làm nhiệm vụ đầu kéo. Đối với máy gieo đậu thiết kế có 4 hộc chứa đậu giống và 4 hộc chứa phân bón. Máy có thể vừa đánh rãnh, vừa gieo hạt, vừa bón lót. Máy bứt đậu phộng có nhiều ưu điểm như phân loại đậu sau khi bứt và tách riêng, còn dây và lá đậu được đưa ra bên ngoài bằng các hộc khác. Như vậy, cả 2 khâu quan trọng trong trồng đậu phộng hiện đã được cơ giới hóa, góp phần giải quyết được hàng chục lao động cho khâu này và giảm chi phí sản xuất.

Ngoài ra, Sở KH&CN còn phối hợp các ngành liên quan khác nghiên cứu, xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả trong sản xuất chanh, thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tiền đề cho chiến lược KH&CN

Theo Giám đốc Sở KH&CN - Mai Văn Nhiều, với mục tiêu phát triển KH&CN, tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học thời gian qua đều phục vụ nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân. Vườn ươm công nghệ sinh học ĐTM (viết tắt là Vườn ươm) đã được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Theo đó, Vườn ươm sẽ là nối tiếp cho những đề tài khoa học mà sở đã và sẽ nghiên cứu trong thời gian tới, cũng như là đầu mối cung cấp dịch vụ ươm tạo các công nghệ mới trong lĩnh vực sinh học hướng đến công nghệ cao, góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phát triển nền sản xuất của tỉnh hiệu quả và bền vững của vùng ĐTM.


Mô hình khảo nghiệm giống lúa chịu phèn tại vườn ươm

Theo đó, quỹ đất được quy hoạch cho Vườn ươm khoảng 83ha tại xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường. Đây là nơi có vị trí thuận lợi và cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật bước đầu bao gồm: Khu nuôi trồng, cung cấp giống thủy sản 11,5ha; khu trồng cỏ và chăn nuôi lai tạo gia súc 9,6ha; khu sản xuất thử nghiệm trồng cây ăn trái, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày 7,6ha; khu ươm giống cây trồng 0,9ha; khu nghiên cứu sản xuất lúa giống 25ha; nhà làm việc, phòng thí nghiệm và xưởng sản xuất phân vi sinh,... 4ha. Ngoài ra, còn có các hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước cho sản xuất, sinh hoạt và đê bao ngăn lũ cho toàn khu vực hoàn chỉnh.

Trong giai đoạn 1 của Vườn ươm (2016-2018): Thực hiện đầu tư các phòng thí nghiệm, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị, đào tạo, thu hút nhân lực; đi vào hoạt động từng phần. Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước dự kiến 233 tỉ đồng, trong năm 2018 tiến hành thu hút doanh nghiệp đầu tư, dự kiến 90 tỉ đồng.

Giai đoạn 2 (2019-2020) tiếp tục đầu tư các phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị còn lại, đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên sâu. Vườn ươm tiến hành hoạt động song song với 2 nguồn ngân sách từ Nhà nước và thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, tiến tới hoạt động hoàn toàn theo quy định của Nghị định 115/2005/NĐ-CP, ngày 5-9-2005 của Chính phủ. Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước dự kiến 179 tỉ đồng, thu hút doanh nghiệp 200 tỉ đồng.

Tại Vườn ươm, Sở KH&CN phối hợp cùng Bộ môn di truyền giống nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ khảo nghiệm giống lúa chịu phèn. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Công Thành - Phó Trưởng Bộ môn di truyền giống nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, người trực tiếp lai tạo và thử nghiệm các giống lúa, cho biết bước đầu đã thành công cho các giống lúa có khả năng chịu phèn, năng suất tốt nhằm mục tiêu sản xuất đại trà, phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Ngoài ra, tại Vườn ươm, Sở KH&CN đang tiến hành triển khai dự án "Ứng dụng công nghệ sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An". Kinh phí thực hiện dự án khoảng 12 tỉ đồng từ ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương và nguồn kinh phí địa phương.

Giám đốc Sở KH&CN - Mai Văn Nhiều cho biết thêm, Sở KH&CN chọn Vườn ươm là khâu đột phá của ngành trong giai đoạn 2015-2030. Đây chính là hạt nhân để thu hút nhân tài KH&CN và tạo động lực quan trọng nâng cao tỷ lệ đóng góp KH&CN vào phát triển KT-XH của tỉnh. Trọng tâm của Vườn ươm là tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong công tác lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi để tạo ra sản phẩm đặc trưng của tỉnh, có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, Vườn ươm sẽ là nơi tiếp thu, nghiên cứu và từng bước hướng đến phát triển công nghệ cao ứng dụng vào các lĩnh vực khác như: Vật liệu xây dựng mới, năng lượng tái tạo, tự động hóa,... phục vụ mục tiêu phát triển xanh và bền vững cho các giai đoạn tiếp theo./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết