Tiếng Việt | English

25/01/2017 - 19:50

Những người lưu giữ “hồn quê”

Thời thơ ấu, mỗi người đều gắn liền với câu hát đưa em “à ơi...” bên cánh võng, những câu hò, điệu lý hay những trò chơi con trẻ,... Giờ đây, giữa nhịp sống hối hả, những hình ảnh ấy dần lùi vào dĩ vãng và ngày nào đó sẽ bị lãng quên, nếu không có những người ngày đêm góp nhặt và lưu giữ “hồn quê”.

Mang những nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ, Long An có một kho tàng văn nghệ dân gian (VNDG) vô cùng phong phú. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, câu hát ru, câu hò, điệu lý hay trò chơi dân gian,... rồi đây sẽ dần bị lãng quên nếu không được gìn giữ, lưu truyền!

Một cụ cao niên chia sẻ về câu hát đưa em cùng nhạc sĩ Trịnh Hùng

Hội viên Hội VNDG Việt Nam - nhạc sĩ Trịnh Hùng là người sưu tầm hơn 1.000 câu hát đưa em từ những nguồn tư liệu “sống” trên mảnh đất Long An từ năm 2002. Ông lặn lội đi tận các làng, xã, trực tiếp gặp các bà, các mẹ đều “tuổi cao bóng xế” để ghi chép và ký âm lại. Ông chia sẻ: “Câu hát đưa em không đơn thuần chỉ là lời ru cho con trẻ mà còn chất chứa những bài học về nhân nghĩa, đạo lý ở đời. Ngày qua ngày, nó thấm nhuần và nuôi dưỡng tâm hồn đến khi con khôn lớn”:

“Ầu ơ ơ
Con ơi cho trọn hiếu trung
Thảo ngay một dạ ơ ờ để uổng công mẹ thầy”.

Còn hội viên Hội VNDG Việt Nam - nhạc sĩ Bửu Thiết lại thấy mình “nặng nợ” với câu hò, điệu lý. Với ông, được trực tiếp chuyện trò cùng chứng nhân lịch sử của giai đoạn đó mới hiểu hết và trân trọng những tinh hoa mà ông bà ta truyền lại. Điển hình như một câu hò ông sưu tầm tại xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa:
“Chữ “Tình” dán tại cây cau

Tao nghe má nói gả tao cho mày”.

Câu hò nghe chừng như một lời bông đùa, ấy vậy mà lại là lời tỏ tình, giao duyên ý nhị. Chính cách xưng hô vừa dễ thương, gần gũi lại thể hiện sự mộc mạc, thẳng thắn của người phụ nữ Nam bộ: Thương thì nói là thương, chẳng vòng vo, hoa mỹ. Ông chia sẻ: “Tôi ý thức rằng, nếu không tranh thủ “chạy đua” với thời gian thì những giá trị tinh thần này sẽ mất đi vĩnh viễn! Tôi mong, các cấp quản lý có kế hoạch đưa VNDG các địa phương vào giảng dạy trong nhà trường, phục dựng không gian VNDG để thế hệ sau còn biết đến!”.


Nhạc sĩ Bửu Thiết trò chuyện cùng người dân địa phương để sưu tầm những câu hò, điệu lý

Còn với hội viên VNDG Việt Nam - Phan Văn Phấn lại “trở về” tuổi thơ với trò chơi dân gian và tổng hợp, sưu tầm các loại nông, ngư cụ lao động của người Nam bộ. Ông mong muốn, con cháu đời sau biết và trân trọng thành quả, công sức của ông bà ta trong những ngày đầu khai hoang, mở cõi.

Bên cạnh đó, thuở ấu thơ của mỗi người chắc hẳn đều trải qua những ngày tụ tập cùng chúng bạn chơi bắn cu li, tạt lon, tạt dép, nhảy lò cò,... Hình ảnh ấy giờ đây chẳng mấy khi tìm được ngay cả ở làng quê. Ông trăn trở: “Trò chơi dân gian cần được đưa vào trường học để những tài sản quý báu của dân tộc không bị mai một, lãng quên”.

Những câu hát đưa em, câu hò, vè, điệu lý, những trò chơi mộc mạc, bình dị của làng quê Nam bộ tồn tại như hơi thở, linh hồn của cuộc sống. Đây là tài sản tinh thần vô giá mà ông cha ta tích lũy từ thời khai hoang mở cõi, nếu không được lưu truyền, gìn giữ thì sẽ có lúc bị mai một, không tồn tại nữa. Quý lắm, trân trọng lắm những người ngày đêm cất công lặn lội sưu tầm, tổng hợp cho thế hệ mai sau có được nguồn tư liệu quý báu khi tìm hiểu cội nguồn quê hương!

Khả Nhi

Chia sẻ bài viết