Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban chỉ đạo 1899) tại Phiên họp lần thứ năm của Ủy ban.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại 6 tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục bám sát triển khai quyết liệt có hiệu quả các nội dung kết luận tại Phiên họp lần thứ 4 của Chủ tịch Ủy ban 1899 theo Thông báo số 105/TB-VPCP ngày 22/3/2019 của Văn phòng Chính phủ và các Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ về thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại.
Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm 2019, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành các thủ tục và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định quy định về thực hiện các thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trình Chính phủ phê duyệt chậm nhất trong tháng 8/2019; sớm triển khai thủ tục trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.
Phát triển công nghệ thông tin phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung.
Trong đó, Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Cổng thông tin một cửa quốc gia vận hành trên nền tảng cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh đáp ứng yêu cầu: Cung cấp các dịch vụ tiện ích để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành về kinh tế-xã hội của Chính phủ và chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương; kết nối và trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành với các bên liên quan, giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các đối tác thương mại quốc tế khác.
Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hệ thống công nghệ thông tin quản lý chuyên ngành từ mô hình xử lý phân tán sang mô hình xử lý tập trung tại bộ, ngành; kết nối, trao đổi và chia sẻ thông tin với Cổng thông tin một cửa quốc gia để hình thành cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước tập trung.
Các bộ, ngành tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện rà soát quy trình thủ tục, chỉ tiêu thông tin, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp liên quan khác nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu triển khai chính thức mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2019 như đã đề ra từ đầu năm; tiếp tục đẩy mạnh triển khai cải cách công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần vừa tạo thuận lợi nhưng cũng tăng cường chống gian lận thương mại.
Trong quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiểm tra nhà nước về hải quan, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực (Tổng cục Hải quan) để các văn bản có tính khả thi và thực tế đi vào cuộc sống, tránh tình trạng các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ Công an khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính triển khai kết nối Hệ thống chuyên ngành của Bộ Công an với Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường không; phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để nghiên cứu phương án triển khai thủ tục đối với tàu thuyền xuất nhập cảnh qua Cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng do cơ quan Công an chịu trách nhiệm quản lý một cách hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính, các đơn vị liên quan trong quá trình đàm phán trao đổi, công nhận lẫn nhau về chứng nhận kiểm dịch điện tử với các đối tác thương mại của Việt Nam.
Cơ quan thường trực (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng hệ thống đánh giá, đo lường chỉ số hoạt động của các thủ tục hành chính thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia phục vụ quản lý, điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ./.
Theo TTXVN