Tiếng Việt | English

04/01/2017 - 09:19

Tìm về lịch sử trên đất Long An

Là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Nơi đây gắn liền với tên tuổi Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, trí thức yêu nước luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Nhà cách mạng lỗi lạc - Giáo sư Trần Văn Giàu,...

Học sinh tìm hiểu về Văn bia Di tích Vàm Nhựt Tảo

Bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu lịch sử trên đất Long An, chúng ta xuất phát từ TP.Tân An, theo tuyến đường bộ về vùng hạ của tỉnh dài khoảng 20km, đến quần thể Khu di tích Vàm Nhựt Tảo và Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ. Được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1996, quần thể kiến trúc Khu di tích Vàm Nhựt Tảo và Đền thờ Nguyễn Trung Trực được Long An xây dựng và khánh thành vào ngày 14/10/2010 trên khuôn viên rộng 6,1ha. Quần thể kiến trúc được chia làm 4 khu biệt lập và tượng đài, điểm nhấn chính là đền tưởng niệm; hai bên tả, hữu là nhà văn bia và nhà trưng bày nối liền với nhau bằng những lối đi rộng với nhiều loại cây cảnh bonsai tạo sự trang trọng, uy nghiêm bên cạnh vàm sông Nhựt Tảo - nơi mà cách đây 155 năm - vào sáng ngày 10/12/1861, người anh hùng làng chài Bình Nhựt - Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân tấn công, đốt cháy tiểu hạm L’Esperance của thực dân Pháp. Chiến công đó được sĩ phu Huỳnh Mẫn Đạt viết trong Điếu Nguyễn Lịch và được trang trọng khắc trước điện thờ:

“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”

Đến với Đền thờ Nguyễn Trung Trực, trong không khí trang nghiêm, khói hương bảng lảng, lời hướng dẫn viên như đưa chúng ta trở về lịch sử dân tộc những năm cuối thế kỷ XIX. Còn đó lung linh hình ảnh Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - một quản binh có tinh thần yêu nước nồng nàn chiến đấu dưới quyền Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, lập nên những chiến công hiển hách.

Tạm chia tay quần thể Khu di tích Vàm Nhựt Tảo và Đền thờ Nguyễn Trung Trực, chúng ta đến Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại khu phố 1, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Khu lưu niệm được khánh thành vào ngày 29/8/2015 sau 5 năm khởi công xây dựng và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia vào tháng 6-2015. Đây là công trình tôn tạo có diện tích 10.000m2, gồm các hạng mục như: Đền tưởng niệm, khu trưng bày, lưu niệm - thư viện, khu công viên cây xanh, nơi trồng cây lưu niệm và các hạng mục phụ trợ khác.

Đền tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được các bạn trẻ thường xuyên đến viếng, tìm hiểu về những hình ảnh, hiện vật trưng bày nơi đây và càng tự hào hơn về một trí thức yêu nước của vùng đất Bến Lức - Long An

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Hữu Thọ từng giữ nhiều trọng trách quan trọng. Với đức tính trung thực, thẳng thắn, luôn bảo vệ người nghèo, bảo vệ công lý,... ông luôn được mọi người cảm phục, tin yêu. Thành kính thắp nén hương tưởng nhớ cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại gian thờ khu lưu niệm, chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động trước một tấm lòng luôn vì nước, vì dân.

Từ Bến Lức xuôi theo Quốc lộ 1 về TP.Tân An rồi theo Đường tỉnh 827 khoảng 20km, đến viếng nhà cách mạng, nhà giáo nhân dân, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Giáo sư Trần Văn Giàu tại Khu lưu niệm của người ở ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành. Nằm trong khuôn viên vườn thanh long rộng lớn, ngôi nhà thờ họ Trần được chính giáo sư xây dựng năm 1995 với diện tích 52,5m2 theo kiểu một gian hai chái trên chính nền ngôi nhà xưa do cha mẹ Giáo sư xây cất. Ngôi nhà thờ họ Trần được xây dựng và bài trí đơn giản nhưng rất ấm cúng và trang nghiêm.

Rời nhà thờ họ Trần, đoàn viếng thăm khu mộ cố Giáo sư Trần Văn Giàu và gia tộc. Khu mộ gồm 6 ngôi mộ, nằm xoay về hướng Bắc, được thiết kế cùng kiểu dáng, chất liệu, màu sắc tạo nên một tổng thể hài hòa, tinh tế. Mộ của cố Giáo sư Trần Văn Giàu và vợ - bà Đỗ Thị Đạo nằm ở vị trí đầu tiên từ ngoài vào, thân mộ có dạng hình chữ nhật. Với thiết kế đơn giản nhưng tinh tế kết hợp với vật liệu xây dựng đẹp, quý hiếm và bền trong một không gian thoáng đãng, gần gũi thiên nhiên nên khu mộ cố Giáo sư Trần Văn Giàu và gia tộc mang một vẻ đẹp trang nghiêm, tôn kính nhưng vẫn thật bình dị, hài hòa với cuộc sống của người dân quê hương ông.

Một ngày đến với quần thể Khu di tích Vàm Nhựt Tảo và Đền thờ Nguyễn Trung Trực, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu để được tìm hiểu văn hóa, lịch sử tỉnh Long An. Là thế hệ trẻ, càng tự hào về truyền thống yêu nước của thế hệ ông cha, chúng ta càng quyết tâm ra sức học tập, trau dồi kiến thức để trở thành những người có ích cho xã hội./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết