Tiếng Việt | English

02/09/2021 - 08:45

Tinh thần quan trọng thế nào với bệnh nhân COVID-19?

Cuộc “họp gia đình” khó quên hay lần “đình công” ngắn hạn là những ví von của các F0 về quá trình điều trị bệnh của mình. Dù cách nhìn khác nhau, nhưng với mỗi bệnh nhân, tinh thần lạc quan là yếu tố vô cùng quan trọng.

Bệnh nhân COVID-19 vui tươi tập thể dục dưới nền nhạc tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 1

Có một số người khi mắc COVID-19 thường bi quan nghĩ mình "tiêu rồi", từ đó buông xuôi dễ dàng bỏ cuộc. Nhưng để chiến thắng bệnh tật, ngoài sự hỗ trợ từ nhân viên y tế, từ thuốc men, tôi khuyên các cá nhân người bệnh cũng phải thực sự nỗ lực ăn uống đầy đủ và tự rèn cho mình một bản lĩnh, tinh thần lạc quan chiến thắng bệnh tật.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - TĂNG CHÍ THƯỢNG

Mang trong lòng những nỗi lo riêng trong cuộc chiến chung COVID-19, mỗi F0 rất cần những "đơn thuốc" tinh thần. Một cuộc gọi với người thân, một thói quen mới, một cuốn sách hay..., có nhiều lựa chọn để F0 có thể tự tạo đơn thuốc riêng cho mình.

Lạc quan khi có cách nhìn khác

Trong thời gian giãn cách xã hội, luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, nên khi cả gia đình 4 người cho kết quả dương tính với COVID-19, chị Quỳnh Anh (phường 4, quận 10, TP.HCM) vô cùng hoang mang. Nhưng để cả nhà có thể vượt qua, chị đã luôn bình tĩnh và dùng sự gắn kết gia đình để xoa dịu tâm lý cho các thành viên.

"May mắn khi chúng tôi được sắp xếp cách ly chung với nhau tại Bệnh viện 175, có sự chăm sóc lẫn nhau, ai cũng vững tâm hơn. Chúng tôi dành thời gian trò chuyện, nhắc lại những kỷ niệm vui vẻ của gia đình. Đây chắc chắn là một "cuộc họp gia đình" khó quên của chúng tôi sau này", chị Quỳnh Anh chia sẻ.

Sự gắn kết gia đình chính là sức mạnh để cả nhà chị Quỳnh Anh chiến thắng COVID-19. Còn với anh T.H.N. (ngụ phường 11, quận Bình Thạnh) trong suốt thời gian cách ly, điều trị bệnh tại nhà, anh vẫn luôn giữ sự lạc quan.

"Ngày nào tôi cũng gọi video cho mẹ ở quê, tôi trò chuyện với mẹ, xem mẹ nấu ăn, xem chú chó mà tôi cưng nhất, điều đó tạo cho tôi cảm giác cuộc sống vẫn như bình thường", anh N. chia sẻ.

Có lẽ vì tinh thần tốt, quãng thời gian điều trị đối với anh N. chỉ như một cuộc "đình công" ngắn hạn. Và với rất nhiều người, dịch bệnh không phải là dấu chấm hết, mà chỉ là dấu phẩy, để nghỉ chân, để lấy sức đi hết chặng đường phía trước.

Mới đây, trong buổi làm việc với quận 12 về công tác phòng chống dịch COVID-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu công thức "4-3-3" để các quận có thể áp dụng trong cách ly, điều trị F0 tại nhà. Theo ông, để các F0 nhanh chóng hết bệnh thì phải đảm bảo 40% thuốc men, 30% dinh dưỡng và 30% tinh thần.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng đồng quan điểm nêu trên. Ông cho biết trong bối cảnh dịch căng thẳng, chúng ta tập trung lo thuốc men điều trị, tiêm vắc xin nhưng cũng không nên quên lo các yếu tố dinh dưỡng, tinh thần cho người bệnh.

Cần hơn nhiều đơn thuốc tinh thần

Gần đây, vấn đề sức khỏe tinh thần của bệnh nhân COVID-19 đã được các cơ quan y tế quan tâm nhiều hơn. Từ đầu tháng 8-2020, tổ tư vấn tâm lý Gò Vấp được thành lập để có thể chia sẻ những bất an, lo lắng cho F0 an tâm điều trị.

Hay tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 1, mỗi sáng các bệnh nhân đều được tập thể dục dưới nền nhạc vui tươi. Mỗi nơi đều có những cách làm riêng, nhưng tất cả đều mong người dân được yên lòng.

Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Lê Minh Công, phó trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết để có một tinh thần tốt vượt qua COVID-19, không chỉ cần đến yếu tố khách quan, mà còn phải xuất phát từ ý chí của chính bản thân người bệnh.

"Nhìn nhận sự việc bằng cách nhìn khác đi, bởi tâm lý của mỗi người phụ thuộc vào cách mà bản thân nhìn nhận vấn đề đó. Nhận thức về dịch bệnh một cách chính xác và tích cực sẽ giúp cho bạn dễ dàng vượt qua COVID-19", ông Công chia sẻ.

Theo TS Lê Minh Công, để giảm căng thẳng, lo lắng trong khi điều trị, góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục, bệnh nhân COVID-19 và người thân nên thực hiện một số biện pháp sau đây:

1 Cần chọn và giới hạn khoảng thời gian mỗi ngày để cập nhật tin tức về COVID-19, nhất là các bài đăng trên các mạng xã hội như TikTok, Zalo, Facebook... thường chia sẻ các thông tin không chính thống, dễ khiến tâm lý người bệnh thêm hoang mang.

2 Người bị cách ly có thể cảm thấy rất cô đơn - đặc biệt người lớn tuổi hoặc phải sống một mình. Bệnh nhân COVID-19 hãy kết nối và sẻ chia, trò chuyện với người khác thông qua các mạng xã hội, điện thoại, tin nhắn... để giữ vững tinh thần luôn lạc quan.

3 Cảm giác suy sụp tinh thần có thể khiến bệnh nhân từ bỏ các hoạt động thường ngày, tuy nhiên, nếu điều này kéo dài sẽ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Hãy cố gắng tìm động lực để tham gia các hoạt động tại nhà như: xem phim, nghe nhạc, đọc sách...

4 Với trẻ em, đối tượng dễ tổn thương tâm lý vì chưa hiểu biết rõ về COVID-19. Đa số trẻ tiếp nhận thông tin từ cha mẹ và cũng không hiểu rõ vì sao mình lại ở nhà nhiều ngày mà không được đến trường hay ra ngoài chơi. Người thân hãy dùng từ ngữ dễ hiểu, nhẹ nhàng để nói chuyện với các em, khuyến khích các em thực hành những thói quen lành mạnh./.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết