Phát huy tốt đạo lý uống nước nhớ nguồn
Nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu về việc chăm sóc các gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ, thương binh và chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Đước triển khai nhiều chương trình, việc làm thiết thực nhằm chăm sóc, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình có công với cách mạng.
Bí thư Huyện ủy Cần Đước- Nguyễn Việt Cường thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng - Phan Thị Tươi, xã Long Sơn, huyện Cần Đước
Toàn huyện có 4.039 anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, trên 6.000 gia đình có công với cách mạng và hàng trăm thương binh, bệnh binh, gần 500 đối tượng có công với đất nước. Toàn huyện hiện có 633 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó, 21 mẹ còn sống và được gia đình, chính quyền địa phương chăm lo, phụng dưỡng chu đáo.
Các đơn vị của tỉnh, các ngành, đoàn thể huyện bên cạnh thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, còn nhận phụng dưỡng, chăm sóc các mẹ đến cuối đời để bù đắp phần nào nỗi đau của các mẹ và qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của cha ông, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ngoài việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định, Cần Đước còn thực hiện nhiều công việc nghĩa tình: Chăm sóc gia đình thương binh, hỗ trợ vốn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em liệt sĩ, thăm gia đình có công với đất nước trong các dịp lễ, tết. Đồng thời, thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, vận động hỗ trợ địa phương xây tặng hàng trăm căn nhà tình nghĩa, giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở.
Tính từ năm 1995 đến nay, huyện xây dựng 735 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 30 căn, với tổng kinh phí trên 18 tỉ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2017, xây dựng 11 căn. Đồng thời, huyện tổ chức trợ cấp ưu đãi cho 37 con thương binh, bệnh binh; tổ chức điều dưỡng tập trung 58 người có công với cách mạng tại Côn Đảo, cấp 2.611 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và 5.234 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách;...
Lan tỏa phong trào đền ơn đáp nghĩa
Nhằm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, huyện đặc biệt quan tâm, tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức và nhân dân địa phương nâng cao ý thức trong công tác đền ơn đáp nghĩa, từ đó thu hút ngày càng nhiều tổ chức, đoàn thể trong và ngoài địa phương cùng tham gia công tác này. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, huyện duy trì tổ chức hoạt động Về nguồn gắn với xây dựng nông thôn mới để công tác chăm lo gia đình chính sách đầy đủ hơn.
Hàng năm, mỗi xã, thị trấn chọn một ấp và huyện chọn một xã vùng căn cứ cách mạng còn khó khăn để tổ chức các hoạt động: Khám bệnh, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, làm đường giao thông,... với kinh phí hàng chục tỉ đồng mỗi năm từ ngân sách nhà nước và sự đóng góp của nhân dân. Đây là cách làm thiết thực, hiệu quả đối với vùng sâu, vùng kháng chiến cũ, giúp người dân có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Lãnh đạo huyện Cần Đước và Tỉnh đoàn Long An thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng
Song song đó, huyện còn tiến hành quy tập 9 hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện an nghỉ cùng đồng đội. Đối với những người con anh dũng của quê hương đã ngã xuống, những năm qua, huyện đầu tư hơn 10 tỉ đồng cải tạo, nâng cấp, xây dựng Đền tưởng niệm liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, đưa toàn bộ hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang huyện và tổ chức chăm sóc chu đáo, hoàn thành việc xây dựng 17/17 nhà bia ghi danh liệt sĩ ở các xã, thị trấn.
Lễ giỗ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện vào dịp 27-7 hàng năm được tổ chức và duy trì từ nhiều năm nay. Huyện và các xã tổ chức xe đưa rước thân nhân các gia đình liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, tổ chức nghi lễ dâng hương, dâng hoa trang trọng tại đền thờ liệt sĩ, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, qua đây làm ấm lòng những người thân của liệt sĩ.
Điều đáng quý là các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng luôn phát huy truyền thống, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đời sống của gia đình người có công ngày càng được nâng lên ngang bằng mức sống bình quân chung của địa phương, có 100% hộ có mức sống từ trung bình khá trở lên, không còn gia đình là hộ nghèo.
Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Đước, huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh, huyện Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đã và đang tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng. Dù biết không có gì bù đắp nổi những hy sinh, mất mát quá lớn ấy, nhưng với những việc làm thiết thực, địa phương mong muốn phát huy tốt đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc, đời đời nhớ ơn các Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, có công với nước./.
Cẩm Tú