Kính thưa đồng bào cử tri trong tỉnh. Tôi xin thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Long An gửi đến quý cử tri lời chúc tốt đẹp, nhiều sức khỏe, sớm chiến thắng đại dịch Covid-19, góp phần xây dựng quê hương Long An ngày càng giàu đẹp.
Kính thưa quý cử tri. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Long An đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên Đoàn ĐBQH tỉnh không thể tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ nhất-Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.
Hôm nay, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh tôi báo cáo với đồng bào cử tri về kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí vốn đầu tư các dự án trọng điểm thúc đẩy triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Kính thưa quý cử tri! Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 9 ngày do điều kiện diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp. Các cơ quan bộ, ngành, địa phương vẫn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ đã rất tích cực, khẩn trương, làm việc liên tục, ngoài giờ để bảo đảm hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất, kết thúc kỳ họp sớm hơn 3 ngày để tạo điều kiện các đại biểu Quốc hội tham gia chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở địa phương.
Tại kỳ họp này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội, trong đó gợi mở, nhấn mạnh những định hướng lớn, quan trọng để Quốc hội khóa XV tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Kỳ họp đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề và 01 Nghị quyết chung của kỳ họp. Đồng thời, xem xét các báo cáo về tổng kết công tác bầu cử và kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp.
Các ĐBQH tỉnh Long An làm việc trong Kỳ họp
Nhìn chung, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã rất thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Sau đây, tôi xin báo cáo tóm tắt những kết quả cụ thể của kỳ họp.
Trước hết, Quốc hội khẳng định dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, khoa học, kịp thời, sáng tạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành phụ trách bầu cử từ Trung ương đến địa phương, Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp, cử tri bầu được 499 đại biểu Quốc hội và 266.022 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ hai, về công tác tổ chức, nhân sự: Đây là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong cả nhiệm kỳ, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bảo đảm dân chủ và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của đại biểu.
Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước gồm: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV
Thứ ba, xem xét, quyết định các chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, cụ thể:
- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, lãnh đạo và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, toàn quân, toàn dân, đất nước ta đã và đang vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Những tháng đầu năm 2021 đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, bảo đảm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các giải pháp tiết kiệm chi được thực hiện triệt để nhằm bảo đảm nguồn lực cho việc phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại,… Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
- Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2,14 triệu tỉ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2,12 triệu tỉ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là trên 161 ngàn tỉ đồng, bằng 2,67% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; cải cách chính sách thu - chi; chấn chỉnh tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, đồng thời có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Quốc hội đã thông qua 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển đất nước; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo,...
- Về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025: Phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỉ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỉ đồng, tỷ trọng chi đầu tư phát triển hàng năm đạt 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước; và yêu cầu trong tổ chức thực hiện, cần phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống dưới 3,7% GDP. Tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 của ngân sách trung ương khoảng 3,1 triệu tỉ đồng. Nợ công hằng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
- Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỉ đồng (vốn ngân sách trung ương là 1,5 triệu tỉ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 1,37 triệu tỉ đồng); trong đó, bố trí 100.000 tỉ đồng để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; 65.795 tỉ đồng để tiếp tục thực hiện 03 dự án quan trọng quốc gia, 38.738 tỉ đồng để đầu tư dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông gia đoạn 2021-2025.
- Về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Quốc hội thông qua mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình là 39.632 tỉ đồng, trong đó có 30.000 tỉ vốn đầu tư phát triển.
- Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Quốc hội giao Chính phủ trong quá trình điều hành tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư; cân đối, bổ sung ngân sách trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình; nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng.
ĐBQH tỉnh Long An - Hoàng Văn Liên phát biểu trong chương trình Kỳ họp
Thứ tư, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Cụ thể, trong năm 2022 Quốc hội sẽ thông qua 09 dự án luật và 01 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 02 dự án luật, trong đó, có dự án sửa đổi Luật Đất đai.
Thứ năm, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2022. Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 02 Chương trình về giải quyết khiếu nại, tố cáo và sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã, cấp huyện.
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, sớm ổn định và kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội đã giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện 08 giải pháp cấp bách. Trong đó, quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch. Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước Nhân dân.
Về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An tham dự Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, đại biểu chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế kỳ họp, tích cực nghiên cứu tài liệu, đóng góp nhiều ý kiến góp phần vào thành công chung của kỳ họp.
Với 08 lượt ý kiến phát biểu tại Tổ và Hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp, đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí vốn đầu tư các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông như: Trục động lực Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang kết nối với tuyến đường ven biển các tỉnh miền Tây Nam bộ; cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành- Đức Hòa, đường Vành đai 3, Vành đai 4, mở rộng QL 1A, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh Long An và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường liên kết vùng, đảm bảo sự phát triển hoài hòa lợi ích vùng, miền.
Bên cạnh đó, Đoàn đề nghị Chính phủ nghiên cứu tích hợp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn, nhất là tập trung rà soát, xử lý có hiệu quả tình trạng nợ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, triển khai các chương trình kết nối phát triển kinh tế vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Trân trọng!
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV
tỉnh Long An - Nguyễn Thanh Hải