Người gốc Việt ở Mỹ có được nhận thừa kế tại Việt Nam không? Minh họa: NGỌC THÀNH
Tôi là người Mỹ gốc Việt (sang Mỹ năm 1965) nhưng cha mẹ tôi còn ở Việt Nam và có tài sản là nhà cửa, đất đai. Mới đây cha mẹ tôi đều qua đời, tôi muốn được nhận thừa kế (đứng tên) nhà của cha mẹ để lại nhưng tôi không còn quốc tịch Việt Nam. Vậy tôi phải làm thế nào để được nhận thừa kế và đứng tên tài sản này?
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp Kon Tum) tư vấn:
Câu hỏi bạn đọc hỏi có 2 vấn đề: Thứ nhất, thừa kế và thứ hai, nhận thừa kế của cha mẹ trong khi bạn là người Mỹ gốc Việt.
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp Kon Tum)
Theo như trình bày của bạn và đối chiếu với các quy định của pháp luật Việt Nam, thì bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất sau khi mẹ của bạn qua đời.
Liên quan vấn đề quốc tịch, theo quy định tại khoản 3 điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài". Đồng thời, tại khoản 4 điều 3 Luật Quốc tịch 2008 cũng quy định: "Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài".
Như vậy ông là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Do đó, ông vẫn là đối tượng được nhận chuyển quyền sử dụng đất (nhận thừa kế) và được công nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại điều 5 Luật Đất đai 2013 và điều 7 Luật Nhà ở 2014.
Tuy nhiên để được công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì ông phải đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điều 8 Luật Nhà ở 2014: "Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam".
Do đó để được công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thừa kế, ông phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và phải có giấy tờ về việc nhận thừa kế cùng các giấy tờ khác để được cấp giấy chứng nhận nhà ở theo quy định.
Để nhận di sản thừa kế theo pháp luật, ông phải thực hiện thủ tục công chứng (có thể đến UBND cấp xã thực hiện chứng thực) hoặc văn phòng công chứng để chứng thực một trong hai loại văn bản là văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế).
Sau đó, khi có kết quả, công chứng viên sẽ ký công chứng vào bản chính của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế cho người thừa kế. Người thừa kế mang giấy tờ này cùng các giấy tờ liên quan để sang tên tại cơ quan tài nguyên và môi trường theo quy định tại điều 79 nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ để làm thủ tục sang tên./.
Theo TTO