Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây là 2 dòng sông nổi tiếng, mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử. Đời sống người dân Long An gắn với 2 "dòng sông anh em" này. Trong năm 2022, tour dọc theo 2 dòng Vàm Cỏ chính thức được khai thác. Đó không chỉ là chuyến du ngoạn trên sông nước miền Tây mà dọc theo 2 bờ sông, du khách còn được ghé vào các địa điểm tham quan, tìm hiểu về đời sống của người dân, lịch sử của vùng đất Long An.
Ráng chiều trên sông Vàm Cỏ Tây (Ảnh: Trung tâm TTXTDL cung cấp)
1. Khu du lịch Happyland được nhiều công ty du lịch chọn làm điểm xuất phát cho các tour khai thác dọc theo sông Vàm Cỏ. Trên hành trình khám phá Vàm Cỏ Đông, Vàm Nhựt Tảo và chiến công oanh liệt của người anh hùng Nguyễn Trung Trực là địa điểm không thể bỏ qua. Tại đây, ngoài việc chiêm ngưỡng vị trí đốt cháy tàu Hy Vọng năm xưa, du khách còn được tìm hiểu chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Trung Trực, được thắp nén nhang lên bàn thờ người anh hùng dân tộc.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực nằm trong Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của đền làng Nam bộ, bao gồm gian thờ chính và 2 gian thờ phụ. Xung quanh đền thờ là các công trình khác lưu giữ cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực. Đến thăm Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, du khách được tận hưởng không gian thoáng đãng, mát mẻ và nhìn rõ nơi chiến hạm Hy Vọng từng chìm xuống. Những hiện vật, hình ảnh, tài liệu trong không gian trưng bày sẽ giúp khách viếng thăm hiểu rõ hơn về người anh hùng khí khái, kiên trung với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Chùa Linh Sơn nằm trên cù lao Mỹ Phước, một cù lao dân sinh sống đông đúc, được dòng Vàm Cỏ Tây ôm trọn (Ảnh TT TTXTDL cung cấp)
2. Rời Vàm Nhựt Tảo, xuôi theo hướng kênh Thủ Thừa, du khách sẽ được đến địa danh vô cùng đặc biệt, gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Thủ Thừa, đó là đình Vĩnh Phong. Đình Vĩnh Phong là nơi thờ tự ông Mai Tự Thừa, người khai phá nên Thủ Thừa ngày nay. Mái đình được dựng lên từ ngày đầu xây làng, lập ấp, chứng kiến mọi đổi thay, thăng trầm của lịch sử. Cho đến nay, ngoài giá trị về lịch sử, ngôi đình còn có giá trị về kiến trúc với những chi tiết chạm trổ tinh xảo, những bao lam, câu đối được sơn son, thếp vàng. Đặc biệt, đình được dựng lên trên bờ kênh Thủ Thừa, gần nơi giáp nước. Chính đặc điểm nơi giáp nước là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của Thủ Thừa ngày nay.
3. Trên hành trình xuôi dòng Vàm Cỏ, các địa điểm thuộc TP.Tân An cũng là những gợi ý khó thể bỏ qua. Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức và Tượng đài Long An Trung dũng kiên cường là những địa điểm ghi dấu về quá trình hình thành, phát triển, đấu tranh của quân và dân Long An trung dũng kiên cường.
Di tích Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức còn lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về kiến trúc lăng mộ cũng như các cổ vật (Ảnh: Trung tâm TTXTDL cung cấp)
Đến thăm khu Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức, ngoài tìm hiểu về sự nghiệp của mộ “Hổ tướng” lừng danh, du khách còn được tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc, hiện vật quý hàng trăm tuổi, có giá trị cả về văn hóa và lịch sử: Ấn, sắc phong, chiếu chỉ, khánh lệnh bằng đồng do Vua Gia Long ban tặng,... Đặc biệt, trong đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức có bức chân dung cổ được vẽ từ năm 1802 là một hiện vật quý xứng đáng được giới mỹ thuật Việt Nam quan tâm.
Khu Tượng đài Long An Trung dũng kiên cường là một cụm kiến trúc có ý nghĩa hết sức đặc biệt, khắc họa quá trình đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân Long An trong những năm trường kỳ kháng chiến. Đặc biệt, những hộp hình bên trong tượng đài thể hiện 8 chuyên đề tái hiện những sự kiện, yếu tố đặc trưng của hình thái chiến tranh nhân dân ở địa phương: Nhân dân dùng xuồng đưa bộ đội vượt sông đánh giặc; Ba lần đánh đồn Đức Lập; Làng xã chiến đấu ở Long An; Sản xuất vũ khí tại công binh xưởng; Dân công hỏa tuyến Long An làm “cầu người” vận chuyển thương binh; Trạm quân y tại căn cứ Đám lá tối trời; Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sống, chiến đấu trong mùa nước lũ; Trận Hiệp Hòa ngày 23/11/1963 (trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận).
4. Ngoài những địa danh liên quan đến lịch sử, dọc 2 dòng sông Vàm Cỏ còn có nhiều địa điểm thú vị giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa, đời sống người dân Long An: Nhà Trăm cột, làng dệt chiếu Long Cang, hàng cau vua Tân Trụ, cù lao Mỹ Phước,... Đến đó, du khách không chỉ được nghe những câu chuyện mà còn được hòa mình vào đời sống thường nhật, tận hưởng không khí làng quê yên bình. Được ngồi trên bộ bàn ghế trăm năm tuổi trong nhà trăm cột, nghe gia chủ kể chuyện gia đình hay tự tay dệt thử đôi chiếu lác hoặc tản bộ trên con đường hàng cau được mệnh danh là cung đường hạnh phúc, ngắm nông dân tất bật với công việc đồng áng hàng ngày là những điểm nhấn vừa bình dị, vừa thú vị của du lịch Long An.
Những địa điểm về văn hóa, đời sống dọc 2 bờ sông Vàm Cỏ giúp du khách hiểu rõ hơn về đất và người dân Long An: Nhà Trăm cột, làng dệt chiếu Long Cang
Từ những địa điểm tuy có vẻ rời rạc nhưng lại có điểm chung về lịch sử, văn hóa, các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đã kết nối, thiết kế các tour Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây khác nhau, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách. Du khách quan tâm có thể tìm kiếm thông tin tour trên trang web của các công ty du lịch để có được thông tin chi tiết và cụ thể.
Các tour du lịch đang khai thác hiệu quả trên 2 dòng sông Vàm Cỏ:
- Du ngoạn trên sông Vàm Cỏ Đông: Công ty du lịch Cao Niên, đi trong ngày, đến các địa điểm: Vàm Nhựt Tảo, hàng cau vua Tân Trụ, Khu du lịch Happyland.
- Hoàng hôn thơ mộng trên dòng Vàm Cỏ đi nửa ngày chiều về đêm, đến các địa điểm: Nơi giáp nước, đình Vĩnh Phong, Khu du lịch Happyland. Điểm nhấn của tour này chính là hoạt động dùng bữa tối trên sông, thả cá phóng sinh, thả đèn hoa đăng, đèn trời (tùy theo điều kiện cụ thể).
- Tour Vàm Cỏ Tây: Công ty du lịch C.U, đi trong ngày, thăm các khu di tích và trải nghiệm hoạt động ăn uống trên sông.
- Ngoài ra, du khách có thể tự tổ chức tour đi dọc Vàm Cỏ Tây bằng cách liên hệ trực tiếp với phương tiện di chuyển tại bến đò Vàm Thủ. Các dịch vụ ăn uống cũng được cung cấp tại đây.
|
Quế Lâm