Tiếng Việt | English

06/06/2021 - 08:47

Tranh cãi nguồn gốc Covid-19 có thể đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống thấp chưa từng thấy

Trong số tất cả các vấn đề gây bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay, những câu hỏi về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 được xem là vấn đề nhạy cảm nhất.

Trung Quốc năm 2020 đã đáp trả đồng minh của Mỹ, Australia, sau khi nước này đề nghị một cuộc điều tra độc lập đối với nguồn gốc virus SARS-CoV-2, bằng việc áp thuế xuất khẩu đối với rượu vang và lúa mạnh của Australia.

Kể từ đó tới nay, Bắc Kinh nhiều lần chỉ trích những lời kêu gọi về việc điều tra nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19 là có động cơ chính trị, đồng thời kịch liệt phản đối những giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.


Phòng thí nghiệm P4 (bên trái) trong khuôn viên Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán nóng trở lại tại Mỹ

 Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã yêu cầu các cơ quan tình báo trong 90 ngày phải đưa ra một kết luận đáng tin cậy nhất có thể về nguồn gốc virus SARS-CoV-2. Ông Biden cũng cho biết cộng đồng tình báo Mỹ hiện đang chia rẽ giữa 2 kịch bản: do con người lây bệnh qua động vật và một sự cố phòng thí nghiệm, nhưng không thể đánh giá khả năng nào cao hơn khả năng còn lại.

Giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm nóng trở lại tại Mỹ sau khi bài báo của Wall Street Journal hồi tháng trước dẫn các báo cáo tình báo nói rằng, các nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán đã “bị ốm” ngay trước khi những ca Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở thành phố này.

Kể từ những ngày đầu của đại dịch, một số quan chức tình báo Mỹ đã cho rằng, virus SARS-CoV-2 có khả năng rò rỉ, một cách vô tình hoặc cố ý, từ Viện Virus học Vũ Hán. Các nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm công nghệ cao tại đó đã nghiên cứu các loại virus corona, trong đó có cả những loại được phân lập từ dơi.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) soạn thảo cùng Trung Quốc hồi đầu năm nay cho rằng khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “rất khó xảy ra” vì chưa có virus nào như vậy được nghiên cứu trước khi đại dịch bùng phát và cũng không có dấu hiệu cho thấy các quy định an ninh bị phá vỡ.

Bản báo cáo, được thực hiện cùng các nhà nghiên cứu địa phương sau khi Bắc Kinh cho phép nhóm chuyên gia WHO tới Vũ Hán, nói rằng kịch bản khả thi nhất là virus lây sang người từ dơi thông qua một vật chủ trung gian chưa xác định được.

Dù vậy, Nhà Trắng đã chỉ trích báo cáo này là “không đầy đủ”. Các nhà khoa học hàng đầu phương Tây cũng cho rằng các giả thuyết về sự rò rỉ từ phòng thí nghiệm hay có nguồn gốc tự nhiên đều cần phải được xem xét một cách thận trọng cho đến khi có các bằng chứng đầy đủ và hiệu quả để kết luận.

Trung Quốc cũng muốn WHO điều tra nguồn gốc virus tại Mỹ

Các quan chức cấp cao và các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán đã nhiều lần bác bỏ việc cơ sở này là nơi phát tán virus. Đáp lại cuộc điều tra của chính quyền Biden, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuần trước nhấn mạnh vào các báo cáo của WHO trong khi đặt câu hỏi vì sao các cơ quan tình báo Mỹ lại can dự vào vấn đề này.

“Làm sao người ta có thể tin tưởng các báo cáo ‘điều tra’ được tiến hành bởi một cơ quan tình báo không được tín nhiệm?”, ông Triệu Lập Kiên đặt câu hỏi hôm 27/5.

Ông Triệu Lập Kiên cũng nhắc tới nghi vấn Fort Detrick ở Marryland, một căn cứ có phòng thí nghiệm sinh học quân sự của Mỹ, ám chỉ rằng virus SARS-CoV-2 có thể có nguồn gốc từ Mỹ.


Bức ảnh chụp từ trên cao căn cứ Fort Detrick, Marryland, Mỹ, ngày 25/5/2007. Ảnh: CFP

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 4/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng, Mỹ nên mời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến để nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và giải thích về các phòng thí nghiệm sinh học của họ trên khắp thế giới của nước này.

“Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ có thái độ hợp tác và khoa học như Trung Quốc và mời các chuyên gia của WHO đến Mỹ để thực hiện nghiên cứu về truy tìm nguồn gốc virus”, ông Uông Văn Bân nói.

Giới chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh vào các nghiên cứu cho thấy bằng chứng về sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 bên ngoài Trung Quốc từ cuối năm 2019 và nhắc tới việc thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có thể là vật truyền bệnh.

Khoét sâu căng thẳng Mỹ-Trung

Việc điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 được thực hiện ở thời điểm nhạy cảm khi cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn vượt qua sự gay gắt trong quan hệ song phương, bị rơi xuống mức thấp trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.

Tổng thống Joe Biden dù vẫn duy trì các đòn thuế quan và trừng phạt thời chính quyền Trump đối với Trung Quốc, nhưng ông cũng đã bắt đầu mở ra các cuộc đối thoại. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 1/6, sau cuộc đối thoại của giữa ông Lưu Hạc hồi tuần trước với Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai.

Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ - một tổ chức nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Washington, cho rằng, với vấn đề nguồn gốc virus SARS-CoV-2, Trung Quốc sẽ phản đối đến cùng.

“Trung Quốc khó có khả năng sử dụng các hình thức “áp bức” kinh tế với Mỹ như đã làm với Australia, một phần là vì nước này lo ngại Mỹ sẽ đáp trả bằng việc hạn chế chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực công nghệ cao [của Trung Quốc]. Bắc Kinh cũng lo ngại mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ xuống tới mức nguy hiểm”, bà Glaser nói.


Nhân viên an ninh bên ngoài Viện nghiên cứu virus Vũ hán trong chuyến thăm của các chuyên gia WHO tới Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ngày 3/2/2021. Ảnh: Getty

Theo ông Christopher Johnson, cựu nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, dù việc chính quyền Biden tuyên bố điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 dường như mang tính chính trị, điều này cũng đang khiến Trung Quốc “khó chịu”. Ông cũng nói thêm rằng, Trung Quốc khó có khả năng cho phép thêm bất cứ ai tiếp cận để điều tra.

Các kết quả điều tra khả năng virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm cũng có thể gây khó khăn cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nếu chúng được đưa ra trước khi ông có cơ hội gặp Tổng thống Mỹ Biden tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 10 năm nay.

“Cách duy nhất bạn có thể hạ nhiệt căng thẳng là thực sự đối thoại với nhau. Nếu không có đối thoại, nguy cơ gây hại đến mối quan hệ sẽ vẫn tồn tại”, ông Johnson nói

Mối quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ tệ hơn nếu cuộc điều tra đưa ra kết quả “chỉ tay” về phía Trung Quốc, theo Hugo Brennan, một nhà phân tích của công ty tư vấn rủi ro Merisk Maplecroft.

“Nếu cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng giả thuyết ‘rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán’ là có khả năng cao nhất gây ra đại dịch Covid-19, mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Đặc biệt là nếu có sự nhất trí cho rằng Bắc Kinh đã cố tìm cách che đậy vụ rò rỉ”, ông Maplecroft nói./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết