Chính sự phát triển của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh
Công nghiệp - động lực cho phát triển
Long An có điều kiện tự nhiên, địa lý, nguồn nhân lực thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Thời gian gần đây, với sự năng động của lãnh đạo tỉnh, các cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính (TTHC) thông thoáng đã giúp tỉnh thu hút đầu tư mạnh hơn, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp (K,CCN).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Văn Tiều thông tin: “Long An có 10.822 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 272.305 tỉ đồng. Tỉnh còn thu hút 1.751 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 212.853 tỉ đồng. Trên lĩnh vực đầu tư nước ngoài, có 969 dự án đăng ký trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn đăng ký 6.104 triệu USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện khoảng 3.614 triệu USD. Chính sự phát triển của DN trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 10,36% (kế hoạch 9,4%), trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,41% và chiếm 47,5% tổng giá trị sản phẩm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 16%, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt trên 212.700 tỉ đồng, đạt 100,1% kế hoạch, tăng 16% so với năm 2017.
Riêng 3 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,27% so cùng kỳ, có 56/75 nhóm ngành sản phẩm công nghiệp tốc độ tăng. Với sự phát triển này, Long An đang là một trong những tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ phát triển kinh tế tốt nhất, trong đó có công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần thông tin: “Phát huy những kết quả đã đạt, Long An đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Thuận lợi lớn là Long An được quy hoạch diện tích đất công nghiệp đến năm 2020 gần 14.500ha. Tuy hiện nay, diện tích đất công nghiệp đi vào hoạt động chưa lớn nhưng các K,CCN của tỉnh thời gian qua liên tục phát huy hiệu quả, góp phần giúp tỉnh thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, để có thể đẩy mạnh thu hút đầu tư, năm 2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND cấp huyện đang thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là tập trung giải phóng mặt bằng, tiếp tục đầu tư hạ tầng các K,CCN để có thêm quỹ đất cho thuê nhằm đáp ứng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư cũng như các dự án lớn”.
Đường tỉnh 826B đoạn từ Quốc lộ 50 đến đồn Rạch Cát
Năm 2019, Long An phấn đấu có ít nhất 3 KCN và 3 CCN đi vào hoạt động. Thời điểm này, tỉnh đang đôn đốc các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng K,CCN trên địa bàn đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, thoát nước mưa để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp hoạt động ổn định. Một khi K,CCN hoạt động ổn định, thu hút nhà đầu tư thứ cấp đi vào sản xuất sẽ giúp tỉnh hình thành các trung tâm kinh tế gắn với phát triển đô thị, giải quyết việc làm và tạo nguồn thu ngân sách.
Mở đường cho phát triển
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) - Nguyễn Văn Học cho biết: “Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), trên lĩnh vực giao thông, tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ để phục vụ phát triển công nghiệp. Theo đó, trọng tâm là triển khai thực hiện Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh thông qua việc đầu tư, kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các K,CCN với nhau, kết nối với TP.HCM, kết nối đến Cảng Long An. Song song đó, tỉnh triển khai 3 công trình trọng điểm: Đường tỉnh (ĐT) 830, Đường Vành đai TP.Tân An và Trục hạ tầng giao thông - đô thị kết nối Tiền Giang - Long An - TP.HCM. Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông này hứa hẹn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”.
ĐT830 từ Đức Hòa đến Cảng Long An là 1 trong 3 công trình trọng điểm được tỉnh ưu tiên thực hiện thông qua việc huy động mọi nguồn lực, đang trong giai đoạn hoàn thành. Nổi bật nhất là đoạn nâng cấp ĐT830 và ĐT824 từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa dài hơn 23km, đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, được người dân, DN đồng tình, ủng hộ.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm - Võ Quốc Thắng nhận xét: “Tuyến ĐT830 có chiều dài khoảng 55km, bắt đầu từ huyện Đức Hòa, qua huyện Bến Lức, Cần Đước và kết thúc tại Cảng Quốc tế Long An tuy chưa hoàn thành 100% nhưng làm thay đổi diện mạo các huyện trọng điểm phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh. Trục đường hoàn thành sẽ giúp DN giữa các K,CCN kết nối nhau dễ dàng cũng như giao thương hàng hóa xuất khẩu qua Cảng Quốc tế Long An, vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM, miền Đông Nam bộ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương”.
Đường tỉnh 830 đoạn BOT
Để hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, năm 2019, ngành GTVT tiếp tục thực hiện hoàn thành các công trình trong các chương trình đột phá, công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020).
Bên cạnh đó, Sở GTVT tiếp tục thi công, hoàn thành các dự án cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu, phục vụ việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân như ĐT838B, huyện Đức Huệ; ĐT837B, huyện Tân Thạnh; đường từ Giồng Nhỏ đến kênh Mỹ Bình, huyện Đức Huệ; đường liên xã Thủy Tây - Thạnh Phú - Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa và cầu bắc qua kênh Dương Văn Dương. Đây là những tuyến đường có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển KT-XH của các địa phương; đồng thời, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới./.
Gia Hân