Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Liên (thứ 2, phải qua) tham quan triển lãm
Trước Long An đã có 24 tỉnh, thành phố, quân khu tổ chức triển lãm. Những tư liệu, tài liệu trong triển lãm là bản sao của những thư tịch cổ, tài liệu, bản đồ trong nước và nước ngoài thể hiện rõ Việt Nam là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quá trình sưu tầm, tập hợp các tài liệu trên đòi hỏi những nhà nghiên cứu phải bỏ nhiều thời gian, công sức cũng như cần sự trợ giúp từ nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, một trong những người trực tiếp sưu tầm, tập hợp các tài liệu cho biết, đoàn đã đi qua nhiều quốc gia, tìm từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau chứng minh chủ quyền của nước ta đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Bằng nhiều hình thức: Mua lại bản gốc, mua lại file mềm, chụp ảnh, quay phim,... đoàn đã sưu tầm được hàng trăm tài liệu, bản đồ khắp thế giới, kể cả Trung Quốc, hết sức có giá trị.
Triển lãm lần này trưng bày những thư tịch cổ, phiên bản các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ, Pháp ngữ của các triều đại phong kiến, chế độ Việt Nam Cộng hòa thể hiện nước ta đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa, cùng nhiều tài liệu, bản đồ nước ngoài cũng đánh dấu và ghi chép điều đó. Như quyển L’Univers: Historie et description de tuos les peuples được xuất bản tại Paris năm 1848 có đoạn ghi: “Chúng tôi nhận xét rằng từ 34 năm nay, quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát Vàng (hay là Hoàng Sa)) đã có người An Nam chiếm đóng…”
Ngoài các tài liệu trên, còn nhiều sách, bài nghiên cứu, tạp chí xuất bản từ: Ý, Hà Lan, Anh,… viết về quá trình khám phá, chiếm hữu, xác lập chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa, Hoàng Sa. Các tài liệu này đã ghi chép vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu,… của 2 quần đảo, ghi nhận người Việt Nam đã đến đây đánh bắt hải sản, khai thác yến sào,… từ thế kỷ XVII, đồng thời ghi nhận mối quan hệ về mặt địa lý giữa Trường Sa, Hoàng Sa đối với miền Trung Việt Nam.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày bộ Atlas Universel do nhà địa lý học người Bỉ Philippe Vandermaelen biên soạn gồm 6 tập. Trong đó, có tờ bản đồ Partie de la Cochinchina trong tập 2 của bộ Atlas. Tờ bản đồ này vẽ vùng bờ biển miền Trung Việt Nam kéo dài từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16, có hình vẽ quần đảo Paracels gồm các đảo: Hoàng Sa, Quang Hòa, đảo Cây, đảo Lincoln, nhóm đảo Tri Tôn, khu vực Đá Bông Bay. Vị trí các đảo, đá, nhóm đảo,… thuộc quần đảo Paracels trên bản đồ này là tương đối chính xác so với tọa độ thực tế hiện nay.
Ngoài ra, còn 4 tập bản đồ do Trung Quốc xuất bản chứng minh Trung Quốc không hề có chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa: Trung Quốc địa đồ (XB năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (XB năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (XB năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (XB năm 1933). Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn còn cho biết thêm: “Nhà nước ta đang có kế hoạch đưa triển lãm ra nước ngoài trong tương lai, gồm một số quốc gia: Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Pháp và Hoa Kỳ”.
Đến dự lễ khai mạc và tham quan triển lãm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Hoàng Văn Liên nhận xét: “Triển lãm cung cấp cho người xem những hình ảnh, bản sao của các tài liệu quý giá, xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Chủ quyền đối với 2 quần đảo này được tổ tiên, cha ông ta để lại. Các thế hệ kế tiếp phải có trách nhiệm thực thi, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cả trên không, trên biển cũng như đất liền, kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, mét vuông biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu”./.
Nguyễn Hải Kim Hạnh,đoàn viên Sở ngoại vụ Hiện nay, tình hình biển đảo là vấn đề đang được quan tâm. Là thế hệ trẻ, tôi thấy các bạn luôn thể hiện nhiệt huyết, phát huy tinh thần yêu nước của cha ông ta. Đối với tôi, công tác tại Sở Ngoại Vụ, việc nắm rõ đường lối, chủ trương của Đảng, hiểu biết về các bằng chứng có giá trị giúp tôi bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, chống phá. Bản thân cảm thấy cần tự nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, từ những việc làm nhỏ, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đại đức Thích Lệ Trí, chánh Thư Ký ban Trị Sự giáo hội Phật giáo Long An Tăng ni, phật giáo chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề biển đảo nước nhà. Các tư liệu trưng bày đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Nguyễn Hoài Duy, chiến sĩ Phòng chính Trị bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Long An Là một chiến sĩ thuộc Phòng Chính trị, sau buổi tham quan, tôi sẽ cố gắng tuyên truyền, cung cấp thông tin, hình ảnh cho các đồng đội không có mặt trong buổi triển lãm hôm nay biết về chủ quyền của nước ta đối với Trường Sa, Hoàng Sa. Tôi nghĩ đó sẽ là động lực giúp các đồng đội của tôi ra sức phấn đấu, rèn luyện hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ Tổ quốc. Ông Phan Văn Có, ngụ phường 5, TP.Tân An Tôi thấy triển lãm này hết sức ý nghĩa và cần thiết, giúp cho người dân hiểu được chủ quyền của nước ta đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Tôi nghĩ, hoạt động này cần được triển khai rộng rãi hơn nữa, giúp người dân biết được thông tin, đến tham quan triển lãm. Các tài liệu, tư liệu, bản đồ đã cung cấp thông tin hết sức quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề biển đảo này. Bản thân tôi rất quan tâm đến vấn đề chủ quyền nước ta đối với 2 quần đảo này. Tôi đã theo dõi các sự kiện từ năm 1974 đến nay bằng nhiều kênh thông tin, sách báo. Triển lãm này giúp tôi có cái nhìn toàn diện hơn. Tôi đề xuất nên có xe thông tin lưu động thông báo rộng rãi đến người dân về thời gian diễn ra triển lãm, nhắm phát huy hiệu quả của triển lãm một cách cao nhất./. |
Phương Phương