Tiếng Việt | English

07/10/2024 - 08:16

Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo UBND tỉnh Long An, trong 8 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh được 18.450 tỉ đồng, đạt 86,7% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 46% so cùng kỳ.

Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tiết kiệm và điều hành theo đúng tiến độ thu. Đây là những kết quả đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của các địa phương cũng như công tác quản lý, điều hành dự toán chi ngân sách.

Những tháng cuối năm, dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không thuận lợi đến nền kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, với quyết tâm phải hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ dự toán ngân sách năm 2024, để bảo đảm giữ vững cân đối NSNN các cấp trong mọi tình huống, một nhiệm vụ rất quan trọng là đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên NSNN, tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển (nhất là các công trình trọng điểm, đột phá của tỉnh), phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, ứng phó biến đổi khí hậu,...

Để thực hiện nhiệm vụ trên, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, quyết tâm thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN đã đề ra, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi trong những tháng còn lại của năm 2024.

Đầu tiên phải phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN được giao ở mức cao nhất bằng cách triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định. Đẩy mạnh khai thác các nguồn thu còn dư địa, mở rộng cơ sở thu mới.

Tỉnh phấn đấu thu NSNN năm 2024 đạt từ mức hơn 24.000 tỉ đồng để bảo đảm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, thực hiện tốt công tác chi tạo nguồn cải cách tiền lương và bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Đồng thời, tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên, vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tổ chức điều hành chi NSNN chủ động, tiết kiệm chi, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; triển khai, thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2025, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm của dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để dành nguồn cho các nhiệm vụ chi cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh hoặc bổ sung chi đầu tư phát triển.

Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm tiết kiệm. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí, thất thoát tài sản công.

Các địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong nước, nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, giảm thiểu tối đa những chương trình, hội nghị không cần thiết.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh phải tăng cường điều hành bảo đảm trong dự toán được giao, hạn chế tối đa bổ sung kinh phí cho các nhiệm vụ chi phát sinh ngoài dự toán. UBND các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu thu đạt và vượt dự toán được giao, phải có những giải pháp hoàn thành chỉ tiêu thu cân đối, từ đó bảo đảm cân đối chi trên địa bàn.

Như vậy, bên cạnh nhiệm vụ tăng cường, hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN, các sở, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, không cần thiết.

Trong chuỗi nhiệm vụ này, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát tại một số sở, ngành, địa phương về việc chấp hành pháp luật trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực tế chỉ ra rằng, trong tiết kiệm, cần tập trung tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức để góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Một khi ý thức tiết kiệm được nâng cao, công chức, viên chức, người lao động vận dụng trong việc mua sắm, đấu thầu, đầu tư đến thực hành tiết kiệm trong sử dụng điện, nước, phương tiện đi lại, văn phòng phẩm, chi phí hội nghị, hội thảo,...

Không chỉ tiết kiệm trong lĩnh vực tài chính công, mỗi người dân càng phải tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống để bảo đảm an sinh xã hội. Mỗi gia đình, cá nhân tiết giảm trong tổ chức đám tiệc, giảm chi tiêu cho những nhu cầu chưa thực sự cần thiết là thiết thực cùng toàn xã hội triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc làm này chẳng những có lợi cho từng gia đình mà còn cùng xã hội bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Hơn bao giờ hết, việc thực hành tiết kiệm lại quan trọng và khẩn thiết vô cùng./.

Giám sát Sở Khoa học và Công nghệ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Giám sát Sở Khoa học và Công nghệ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh tiến hành giám sát tại Sở Khoa học và Công nghệ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2023.

Tân An

Chia sẻ bài viết