Bài 3: Một vòng lẩn quẩn
Tính đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có gần 4.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đạt 68,12% kế hoạch đến năm 2025. Tuy nhiên, việc sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao liệu có đủ đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính?
“Đạt tiêu chuẩn VietGAP thôi thì chưa đủ”
Để trái thanh long có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, buộc nông dân phải sản xuất theo quy trình, cho ra sản phẩm đạt yêu cầu, chất lượng của quốc gia nhập khẩu. Các thị trường càng khó tính, giá bán càng cao và yêu cầu cũng khắt khe hơn.
Từng ký hợp đồng với một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thanh long sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,... Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Dương Xuân (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) - Phan Thanh Sơn gần như nắm rõ yêu cầu của từng thị trường.
Ngoài việc bảo đảm chất lượng trái thanh long, một số thị trường còn đặt yêu cầu về cân nặng, mẫu mã,... Tùy thuộc vào từng yêu cầu cụ thể, thành viên HTX có định hướng sản xuất phù hợp. Tuy nhiên, tối thiểu trái thanh long phải đạt chuẩn GlobalGAP, đó là nền tảng đầu tiên để HTX có thể “đặt vấn đề” hợp tác cùng DN.
Nhiều nông dân tại ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành tham gia tổ hợp tác liên kết sản xuất thanh long sạch
Từ sau dịch Covid-19, tình hình kinh tế gặp khó khăn, nhiều hợp đồng xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản, Hàn Quốc của HTX không thể tiếp tục. Ông Sơn cho biết, HTX đang trong giai đoạn đàm phán để ký hợp đồng với một DN bao tiêu đầu ra cho sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP.
“Hiện HTX cho thử nghiệm trên 110ha. Sau đợt trái này, nếu đạt yêu cầu của DN thì mới có thể ký hợp đồng và nghĩ tới việc mở rộng sản xuất. Theo tôi, muốn bán được cho thị trường khó tính thì trước hết phải đạt chuẩn GlobalGAP, rồi sau đó, DN yêu cầu thêm gì thì làm theo. Thanh long đạt chuẩn VietGAP thì chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước hoặc một số DN thu mua để chế biến nhưng vẫn không được nhiều” - ông Sơn nói.
Rời xã Dương Xuân Hội, chúng tôi đến xã Long Trì, huyện Châu Thành gặp Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh long Long Trì - Nguyễn Văn Vĩnh. Theo ông Vĩnh, hiện HTX có 26,3ha thanh long đạt chuẩn VietGAP nhưng chưa tìm được đầu ra, chủ yếu nông dân phải bán theo giá thị trường. Chỉ khoảng 2ha đạt chuẩn GlobalGAP tìm được đầu ra với mức giá cao và ổn định.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Trong HTX có 3 hộ dân trồng thanh long đạt chuẩn GlobalGAP và hầu như không hề lo về giá. Mặc dù không bao tiêu đầu ra nhưng mức giá DN thu mua luôn cao hơn so với giá thị trường. Tôi vừa bán một đợt thanh long với giá 30.000 đồng/kg (cùng thời điểm, giá thanh long trên thị trường đang ở mức dưới 10.000 đồng/kg). Việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP đòi hỏi nông dân phải đầu tư nhiều công sức và nắm rõ kỹ thuật mới có được sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng và sản lượng.
“GlobalGAP được hay không là do doanh nghiệp”
“Nông dân ở Hội quán rất đồng lòng làm thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hay bất cứ tiêu chuẩn nào cũng sẵn sàng. Chỉ yêu cầu là có DN ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi chắc chắn làm được” - Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) - Trương Minh Trung khẳng định.
Trước đây, khi ký được hợp đồng, thành viên Hội quán từng sản xuất thanh long đạt chuẩn, đủ số lượng theo yêu cầu để DN xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Trung cam kết, khi đã tham gia Hội quán, tất cả thành viên đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất cũng như “nói không” với việc “tuồn” hàng ra ngoài khi giá thị trường cao hơn giá cam kết. Tuy nhiên, hiện nay, do không còn ký được hợp đồng nên nhiều thành viên Hội quán có xu hướng trở về phương pháp trồng thanh long truyền thống.
Ông Trương Minh Trung có sẵn cơ sở vật chất: Kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hố chứa rác thải thông thường, hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật,… phục vụ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP
Ông Trung chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi từng làm việc với DN nên đã có sẵn nền tảng từ cơ sở vật chất đến quy trình, kỹ thuật,... chỉ cần ký được hợp đồng là chúng tôi bắt tay vào sản xuất theo yêu cầu. Có DN lo đầu ra ổn định thì vất vả mấy nông dân cũng theo. Sản xuất thanh long sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP được hay không là do DN”.
Ngoài kỹ thuật và chi phí thường xuyên, việc sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn GlobalGAP gắn liền với yêu cầu sản phẩm có giấy chứng nhận đạt chuẩn. Lệ phí để được thẩm định, cấp giấy chứng nhận không hề nhỏ và giấy chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP hết hiệu lực trong một thời gian nhất định. Những chi phí này thông thường do DN hỗ trợ cho nông dân khi họ ký hợp đồng bao tiêu. Điều đó vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí lại ổn định được đầu ra.
Giám đốc HTX Thanh long Dương Xuân - Phan Thanh Sơn nói: “Việc làm giấy chứng nhận GlobalGAP khoảng 5 triệu đồng/ha, thường chỉ có HTX hoặc DN mới đủ chi phí để làm chứ nông dân thì rất khó. Chỉ cần có DN cam kết bao tiêu đầu ra thì việc sản xuất GlobalGAP không quá khó đối với nông dân”.
Điều nông dân mong mỏi và trông đợi nhất khi sản xuất thanh long sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP chính là đầu ra sản phẩm, cụ thể là việc bao tiêu ổn định, lâu dài, uy tín của DN. Do yêu cầu của mỗi thị trường khác nhau và khác hẳn với yêu cầu của thị trường phổ thông nên uy tín và cam kết của DN mang tính quyết định trong việc sản xuất của nông dân. Trước đây, có một vài trường hợp sau khi ký hợp đồng, DN gặp khó khăn và “bỏ chạy” khiến nông dân không thể bán được, hoặc bán với giá thấp hơn giá thị trường./.
Tại huyện Châu Thành, hiện nay, diện tích thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 641,31ha và 323ha được cấp giấy chứng GlobalGAP, đây là con số khá khiêm tốn so với tổng diện tích thanh long của huyện là 6.846,85ha. |
(còn tiếp)
Nhóm PV