Tiếng Việt | English

25/11/2017 - 02:25

Tự hào biển, đảo quê hương

Biển, đảo Việt Nam là một phần thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, tình yêu biển, đảo cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ là việc làm rất quan trọng, giúp các em nắm vững hơn những kiến thức về chủ quyền biển, đảo và thắp lên tình yêu đất nước, biển, đảo và càng tự hào về quê hương.

Những mô hình ý nghĩa

Những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đưa việc tuyên truyền biển, đảo vào chương trình học tập bằng nhiều hình thức: Lồng ghép vào chương trình giảng dạy, tổ chức ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu biển, đảo yêu thương,... Việc tuyên truyền được đẩy mạnh triển khai bằng nhiều hình thức nhằm trang bị cho học sinh (HS) những kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.


Một tiết học thực tế tại mô hình biển, đảo trong khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu

Mô hình bản đồ Việt Nam và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An được xây dựng từ năm học 2015-2016, thông qua sự đóng góp của phụ huynh HS, với kinh phí gần 50 triệu đồng. Mô hình này giúp HS tìm hiểu chủ quyền biển, đảo một cách trực quan, sinh động.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu - Võ Thị Ngon cho biết: “Khi chúng tôi thực hiện mô hình này, HS cũng khá bỡ ngỡ nhưng dần dần, các em tỏ ra thích thú. Chúng tôi xây dựng mô hình với mong muốn HS có thêm kiến thức và nắm rõ về chủ quyền biển, đảo quê hương”. “Khi học thực tế thông qua mô hình này, em thấy rất thích, em dễ dàng hình dung về biển, đảo và nhận thấy việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo có ý nghĩa quan trọng” - em Phạm Như Phương - HS lớp 4/3, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu, cho biết.

Thời gian qua, nội dung tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo được Trường THPT Cần Giuộc lồng ghép trong tiết học chính khóa các môn: Ðịa lý, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng và trực tiếp tuyên truyền cho HS trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ đầu tuần,... Ngoài nội dung các chuyên đề của bộ tài liệu, giáo viên bộ môn chủ động sưu tầm, bổ sung những thông tin mới, xây dựng bài giảng về chủ quyền biển, đảo thêm phong phú để HS dễ hiểu, dễ nhớ.

Ngoài kiến thức cơ bản do giáo viên truyền đạt, các em còn được tìm hiểu qua tranh, ảnh tư liệu về biển, đảo. Bên cạnh đó, để HS vừa học, vừa chơi, vừa nắm vững kiến thức về chủ quyền biển, đảo, mỗi năm, Ðoàn trường tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi trắc nghiệm online tuyên truyền biển, đảo quê hương và nhiều chương trình gắn với tình yêu quê hương, biển, đảo Việt Nam.

Kênh giáo dục thiết thực

Thay vì học thuộc lòng, thầy nói - trò nghe, nay việc tuyên truyền, giáo dục biển, đảo hết sức gần gũi với những mô hình, cách làm ấn tượng,...

Cô Nguyễn Thị Xuân Giang - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu, chia sẻ: Dựa vào mô hình này, HS biết được lãnh thổ của mình trải dài từ đâu đến đâu, xác định được vị trí các em đang ở trên bản đồ. Từ bản đồ thu nhỏ này, giáo viên có thể giáo dục HS thấy rằng, để giữ màu xanh cho quê hương, các thế hệ đi trước phải hy sinh biết bao xương máu, do đó, trách nhiệm của các em là phải gìn giữ và bảo vệ thành quả trên.

“Được tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo, em càng tự hào, thêm yêu biển, đảo quê hương và ý thức sâu sắc việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Vì thế, em tự nhủ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải học giỏi, chăm ngoan và khi trưởng thành phải là công dân tốt, sống có ích để tiếp bước truyền thống ông cha” - em Trần Tuấn Anh - HS lớp 12A1, Trường THPT Cần Giuộc, chia sẻ. Để HS tìm hiểu về biển, đảo bằng hình thức trực quan, đồng thời phục vụ công tác giảng dạy các môn học: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân giáo dục cho các em hiểu rõ hơn về chủ quyền biển, đảo và tình yêu quê hương, Trường THPT Cần Giuộc xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa ngay trong khuôn viên trường với chiều cao 3m, rộng 3m, ốp đá và ghi rõ vĩ độ, kinh độ, với tổng số tiền trên 10 triệu đồng, dự kiến đưa vào giảng dạy vào tháng 01-2018.

Mô hình cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa tại Trường THPT Cần Giuộc dự kiến đưa vào giảng dạy thực tế vào tháng 01/2018

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cần Giuộc - Trần Hoàng Nguyên, ngoài kiến thức lý thuyết trong sách giáo khoa, mô hình biển, đảo giúp HS hình dung một cách cụ thể, qua đó dễ dàng nắm bắt kiến thức thông qua mô hình. Đồng thời, việc giáo dục truyền thống quê hương, đất nước, nhận thức về chủ quyền biển, đảo cho HS là rất quan trọng không chỉ hôm nay mà còn mãi về sau nữa, để các em có trách nhiệm cao hơn về tình yêu Tổ quốc. “Mỗi HS sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, mang những kiến thức được học giới thiệu với gia đình, người thân và cộng đồng xã hội. Mô hình cột mốc Trường Sa, Hoàng Sa là niềm tự hào rất lớn đối với giáo viên và HS. Ðây chính là không gian lý tưởng để các em cảm nhận rõ hơn sự gần gũi, gắn bó giữa quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa với đất liền ngay trong chính mái trường thân yêu của mình” - Thầy Nguyên nhận định.

Việc tuyên truyền về biển, đảo quê hương trong các trường học hiện nay có sức lan tỏa và đi vào chiều sâu. Thông qua các mô hình, cách làm hay tuyên truyền về biển, đảo giúp HS tìm hiểu về đất nước bằng hình thức trực quan, sinh động và góp phần không nhỏ trong việc giáo dục tình yêu biển, đảo đối với các em./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết