Tiếng Việt | English

10/05/2021 - 10:20

Tự hào nhà trí thức yêu nước Phan Văn Đạt

Trong phong trào vũ trang kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ XIX, tại tỉnh Long An ngày nay đã từng có nhiều sĩ phu yêu nước dũng cảm đứng lên chống lại kẻ thù và oanh liệt hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Cử nhân Phan Văn Đạt là một trong những tấm gương tiêu biểu nhất thời bấy giờ.

Trường THPT Phan Văn Đạt được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2017

Trường THPT Phan Văn Đạt được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2017

Nhà trí thức yêu nước anh dũng

Cử nhân Phan Văn Đạt có tên hiệu là Minh Trai, sinh năm 1828, tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Tuổi mới thành niên, ông đã am hiểu sâu rộng, lại còn giỏi nghề đóng rương, tủ. Năm 1848, ông đỗ cử nhân tại Trường thi Gia Định nhưng không ra làm quan mà ở lại quê nhà để phụng dưỡng song thân. Với tính cương trực, thẳng thắn, ông được người dân nể trọng, kính mến, mỗi khi có việc tranh tụng đều đến nhờ ông phân xử.

Năm 1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Định, âm mưu xâm chiếm lục tỉnh Nam kỳ. Đầu năm 1861, Pháp phá vỡ đại đồn Chí Hòa, kéo quân đánh chiếm Tân An, Gò Công. Lúc đó, thế giặc rất mạnh, triều đình Huế bất lực, tìm cách cầu hòa. Trước tình thế ấy, cử nhân Phan Văn Đạt cùng cậu là tú tài Trịnh Quang Nghị dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở phía Nam cầu Biện Trẹt (nay là ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) và chiêu tập nghĩa binh chống Pháp. Có thể thấy, cử nhân Phan Văn Đạt là người đầu tiên khởi nghĩa chống Pháp ở địa bàn huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Cuộc khởi nghĩa đã bùng phát mạnh mẽ đến các huyện lân cận.

Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của cử nhân Phan Văn Đạt có hương thân Lê Cao Dõng và tú tài Trà Quý Bình. Khí thế nghĩa quân của cử nhân Phan Văn Đạt, tú tài Trịnh Quang Nghị và tú tài Trà Quý Bình ngày một cao. Ngày 21-6-1861, tú tài Trà Quý Bình chỉ huy nghĩa quân tập kích đồn giặc ở vàm rạch Châu Phê (nay là xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) tiêu diệt tên Tri phủ Việt gian Trần Quang Tâm, đốt cháy đồn giặc và thu nhiều vũ khí.

Để đàn áp cuộc khởi nghĩa, ngày 16/7/1861 (âm lịch), tướng Pháp là Ba-Khu đem quân đánh úp căn cứ nghĩa quân và bắt cử nhân Phan Văn Đạt, hương thân Lê Cao Dõng và nhiều nghĩa quân. Chúng đem ông về phủ lỵ Tân An (lúc ấy đóng ở vàm rạch Châu Phê, đối diện bến đò Chú Tiết), dùng những cực hình dã man, khốc liệt nhất để tra tấn. Tuy nhiên, cử nhân Phan Văn Đạt vẫn thản nhiên, không chịu khuất phục.

Lúc ấy, giặc Pháp biết ông là người đứng đầu cuộc khởi nghĩa nên dùng móc sắt móc vào cổ họng của ông treo lên trên một chiếc tàu đậu ở bến đò Chú Tiết suốt mấy ngày liền cho đến khi ông qua đời. Khi ấy, ông 34 tuổi. Nghĩa quân đem xác ông về bí mật an táng ở phía Nam cầu Biện Trẹt.

Gương hy sinh của cử nhân Phan Văn Đạt làm dấy lên lòng yêu nước của dân tộc. Noi gương ông, các nghĩa quân ở tỉnh Gia Định đồng loạt nổi dậy tấn công giặc Pháp làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề.

Ngày nay, tên của ông đã trở thành tên một con đường tại TP.Tân An (nơi ông đã anh dũng hy sinh) và là tên của một trường cấp 3 tại huyện Châu Thành.

Giáo dục truyền thống, tiểu sử, quá trình hoạt động của cử nhân Phan Văn Đạt

Giáo dục truyền thống, tiểu sử, quá trình hoạt động của cử nhân Phan Văn Đạt

Tự hào ngôi trường mang tên cử nhân Phan Văn Đạt

Được thành lập từ năm 2014, Trường THPT Phan Văn Đạt (tiền thân là Trường THCS và THPT Thuận Mỹ) tọa lạc xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Khuôn viên trường rộng rãi, thoáng mát với những tán cây xanh, vườn hoa được chăm sóc cẩn thận.

Hiện tại, trường có 58 giáo viên (GV), cán bộ, công nhân viên và khoảng 800 học sinh (HS). Những năm qua, các thế hệ thầy, cô giáo, HS trường không ngừng nỗ lực vượt khó, đạt thành tích cao, xứng đáng với ngôi trường mang tên người trí thức yêu nước Phan Văn Đạt.

Năm học 2019-2020, trường có 100% HS đậu tốt nghiệp THPT; 92,2% HS đạt hạnh kiểm tốt; 68% HS có học lực khá, giỏi. Đa số các em đều có ý thức học tập và rèn luyện tốt. Trong công tác giảng dạy, đội ngũ GV nhiệt tình và thực hiện tốt các cuộc vận động của ngành, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học; đồng thời, tự trau dồi kiến thức thông qua các lớp, các đợt tập huấn nhằm nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn. Cũng trong năm học vừa rồi, trường có 9 GV giỏi cấp trường và 6 GV đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Công tác giáo dục truyền thống cho HS được GV trường chú trọng. Huỳnh Nguyễn Kim Huỳnh - HS lớp 11A5, Trường THPT Phan Văn Đạt, chia sẻ: “Vào tiết sinh hoạt dưới cờ đầu mỗi năm học, chúng em được tìm hiểu về tiểu sử, quá trình hoạt động của cử nhân Phan Văn Đạt. Em cảm thấy rất tự hào, khâm phục và nể trọng trước sự tài giỏi cũng như đức tính dũng cảm của ông. Thế hệ chúng em luôn cố gắng học tập để xứng đáng với ngôi trường mang tên cử nhân yêu nước Phan Văn Đạt”.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Đạt - Huỳnh Chí Tâm cho biết: Để nhắc nhở các thế hệ HS, GV luôn nhớ về cử nhân yêu nước Phan Văn Đạt, người mà mái trường đang vinh dự được mang tên. Hàng năm, vào ngày 16-7 Âm lịch, tập thể ban giám hiệu, GV trường bài trí hoa, quả, hương, đèn làm lễ giỗ kỷ niệm ngày mất của ông. Qua đó, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, niềm tự hào của thế hệ trẻ trước tinh thần bất khuất, yêu nước, chống ngoại xâm của cử nhân yêu nước Phan Văn Đạt./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết