Tiếng Việt | English

30/11/2020 - 15:00

Tự phê bình, phê bình trung thực, không hình thức

Cuối năm, các chi bộ họp kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên (ĐV). Trong bản kiểm điểm, từng ĐV cần thấy hết trách nhiệm khi tự phê bình, phê bình đúng thực chất, không qua loa, hình thức.

Trong tác phẩm “Tự phê bình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dao có mài mới sắc/ Vàng có thui, mới trong/ Nước có lọc, mới sạch/ Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”. Người cũng dạy: “Tự phê bình là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt Đảng với mục đích xây dựng Đảng luôn trong sạch, vững mạnh. Đối với từng ĐV, việc tự phê bình trong bản kiểm điểm cuối năm cần liên hệ với các nhiệm vụ của người ĐV theo Điều lệ Đảng, những điều quy định ĐV không được làm; việc tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo dức, lối sống; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Liên hệ kiểm điểm thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, phân định rõ ràng phần việc nào là của tập thể, phần việc nào là của cá nhân. Từng ĐV cần tự phê bình trung thực, cầu thị, tự nhận thấy những tồn tại, thiếu sót của bản thân để tập thể chi bộ góp ý kiến phê bình, đánh giá, phân loại đúng thực chất, đúng người, đúng việc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, ĐV “phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày”. Tự phê bình trung thực, không hình thức cho qua sẽ giúp ĐV khắc phục, sửa chữa được những hạn chế, khuyết điểm, bản thân ngày thêm tiến bộ./.

Bé Bảy

Chia sẻ bài viết