Tôi thường thấy lòng mình xao xuyến mỗi độ xuân về. Ngồi một mình trên ghế đá công viên nhìn ngã ba đường tấp nập trong một sớm mai tràn nắng gió, hình như tâm hồn mình cũng dùng dằng, cố níu lại những giây phút cuối cùng của năm cũ, để rũ bỏ buồn vui đã qua, an nhiên bước sang năm mới trong thanh âm rộn ràng nơi lồng ngực.
Tôi thèm tôi của mùa xuân năm cũ vẫn còn tay trong tay với người thương... (Minh họa: Đăng Châu)
Những con đường phơi mình trong lá sao bay. Những con đường bấy lâu mơ màng bỗng dưng được gọi thức bằng sắc màu của hoa vàng, bằng hương vị ngạt ngào của mùa xuân đang ùa về trên miền Nam đất Việt. Mùa xuân phương Nam quê tôi bắt đầu bằng cơn gió lạnh từ sông Tiền, sông Hậu thổi vào lòng phố, tôi nghe trong gió có hương vị của giọt phù sa thanh khiết mấy trăm năm ngấm ngầm trong cõi đất miền sông nước lam lũ mà hữu tình, trong gió giông vẫn ngời lên vẻ đẹp của tình người, tình đất. Đất quê tôi nắng sớm, mưa chiều, có khi đang nắng, trời đổ cơn mưa bất chợt khiến ai cũng vội vã tìm chỗ trú. Vậy mà cuối năm, những cơn mưa ấy trốn đâu biệt tích, nhường chỗ cho ánh nắng tinh khôi dịu nhẹ ùa về, gió thốc vào phố, thốc vào lòng người gợi nhớ, gợi thương về những năm tháng đi qua, một thoáng bồn chồn bất chợt len lỏi về những ngày sắp tới...
Ngồi một mình nhìn người, nhìn đời, tôi chợt nghĩ cuộc đời của chúng ta là những chuỗi ngày dài mà ngày hôm sau luôn là một điều bí ẩn. Giống như mùa xuân của đất trời, mùa xuân của cuộc đời tôi trong hai mươi mốt năm đầu vui buồn, khổ đau lẫn hạnh phúc. Tôi tâm đắc câu nói của người xưa từng ví von đời người như “bóng câu vụt qua cửa sổ”. Thi thoảng, bà tôi vẫn thường ngồi sờ tay lên mái đầu bạc trắng của mình mà than: “Nhanh quá, mới ngày nào tóc bà còn xanh mà nay bạc hết mái đầu”. Ông tôi cũng than như thế. Mấy mùa xuân trước, lưng ông còn thẳng, ông còn lội ruộng nhổ cỏ, cuốc vườn, vậy mà mùa xuân năm nay, lưng ông cong dần, căn bệnh đau cột sống cứ hành hạ, nhất là khi trở trời, trái gió. Nghĩ mà nước mắt lưng tròng. Hồi trước, má tôi cũng thường hay hát một mình trong những chiều buồn đứt ruột tan gan:
Bến cũ đò xưa, sao người quên bến đò xưa
Chiều im tiếng gió, mà nỉ non ai khóc một mình…
Rồi nước mắt má tôi cũng lã chã rơi. Tôi hốt hoảng chạy vào hỏi má, má bảo: “Má nhớ ba”. Ba bỏ má con tôi ra đi trong mùa xuân năm ấy. Ba qua đò, vẫy tay về phía má con tôi rồi từ đó không về. Chiều chiều, má thường đội nón lá ra bờ sông trông chồng mà nước mắt chảy ngược vào tim. Má khóc cạn một dòng qua bao mùa tết đến. Mùa tết ba đi, má khóc. Mùa tết ba không về, má cũng khóc. Ba đi mãi... Rồi tôi cũng bỏ quê mà đi khi những cánh mai vàng xót xa từ giã cuộc đời. Tôi trở về khi mai vàng hồi sinh, những búp non xanh mơn mởn trên thân cành xù xì. Tôi lớn lên qua những mùa xuân, ông bà tôi già đi, khuôn mặt má cũng hằn in những vết chân chim mưa nắng, tuổi xuân dần phôi pha, tuổi già dang tay đón đợi như một quy luật. Có những lúc tôi chợt hoảng hốt khi nghĩ thầm mà đau đến xé lòng: Biết đâu một mùa xuân nào đó trong chuỗi tháng năm sắp tới, những người tôi yêu thương rồi cũng bỏ tôi mà đi, đi mãi như ba - cuộc đi thầm lặng không có dấu hiệu của sự trở về, đi vào vô thanh, đi vào quá vãng…
Xuân qua, xuân tới mấy hồi. Trẻ đón xuân sang trong niềm hân hoan, phấn khởi, già ngậm ngùi khi sắp phải giã từ cuộc đời đẹp như một thiên đường để bay về với gió trời, với thanh yên và bình lặng. Tôi hỏi lòng, kiếp người sao nhanh quá, mọi thứ diễn ra như một quy luật của tạo hóa, sự sắp đặt của ván cờ thế cuộc đời. Như tôi của mùa xuân năm cũ vẫn còn tay trong tay người thương rong ruổi trên những con đường ngắm mai vàng trổ bông vàng rực một góc trời phương Nam nắng gió; mùa xuân năm nay, tôi với chính tôi - một mình lặng lẽ nhặt nhạnh những ký ức xa xưa, tôi trở về những ngày hạnh phúc bằng dòng sông ký ức, bằng hồi tưởng lúc vui cười, lúc đau nhói tim. Về khoảng trời đã cũ. Về người thương cũ,...
Sáng nay, tôi ngồi nhìn dòng người chen nhau trên con đường xao xác lá. Trong đám đông đó, có ai hối hả sắp xếp cuộc sống chộn rộn nơi phố phường để rồi thanh thản bắt chuyến xe đêm về quê để kịp đón giao thừa cùng những người ruột thịt. Tôi thấy mình thèm biết bao cái cảnh quê yên bình, cái không khí gia đình ngọt ngào, đầm ấm, thèm được nghe tiếng nói của ông, của bà, lời chúc tụng của đám cháu con phương xa tụ về vui vầy cùng gia đình trong ba ngày tết,...
Hoàng Khánh Duy