Một phòng phẫu thuật thần kinh kết hợp với cộng hưởng từ. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)
Giải pháp cộng hưởng từ trong phòng mổ (iMRI) được kỳ vọng sẽ mang đến một bước ngoặt mới về công nghệ trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh tại Việt Nam.
Hiện nay tại Việt Nam, vẫn chưa có cơ sở y tế nào ứng dụng công nghệ cộng hưởng từ trong phòng mổ cho phẫu thuật thần kinh.
Tại cuộc hội thảo chiều 26/6, Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp với các đơn vị tổ chức cập nhật ứng dụng cộng hưởng từ trong phòng mổ cho phẫu thuật thần kinh.
Giáo sư Yoshihiro Muragaki - Khoa Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Đại học Y Tokyo Women’s) cho hay: “Thực hiện một ca phẫu thuật thần kinh có thể so sánh với việc tham gia một giải đua xe tốc độ. Thời gian ở mỗi trạm dừng là yếu tố cực kỳ quan trọng để quyết định sự thành công của cuộc đua. Đối với phẫu thuật thần kinh, hệ thống cộng hưởng từ đặt trong phòng mổ chính là giải pháp giúp cho cuộc phẫu thuật nhanh hơn, chính xác hơn và an toàn hơn.”
Theo các chuyên gia, phẫu thuật thần kinh là một trong những phẫu thuật chuyên khoa khó khăn và phức tạp nhất vì những can thiệp về thần kinh sọ não đòi hỏi sự chính xác đến từng milimet, yêu cầu hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh, cũng như đòi hỏi phẫu thuật phải ít mất máu, giảm đau và nguy cơ tai biến.
Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư Đồng Văn Hệ (Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ: “Với những ứng dụng tiên tiến trong phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật thần kinh, các bác sỹ ngày nay sẽ được hỗ trợ tốt hơn nữa trong phòng mổ, giúp giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật; qua đó, người bệnh được hưởng một dịch vụ y tế tốt hơn.”
Hiện nay, trước khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chụp cộng hưởng từ sọ não để xác định vị trí, ranh giới khối u. Tuy nhiên, sau khi mở hộp sọ, các khối u này sẽ bị di lệch vị trí do hiện tượng tăng áp lực nội sọ mà bằng mắt thường khó có thể xác định chính xác giới hạn khối u cần lấy.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chụp lại cộng hưởng từ để xác định xem việc loại bỏ khối u đã triệt để chưa, và một số trường hợp cần tiến hành phẫu thuật lại để lấy bỏ phần tổn thương còn sót lại sau lần phẫu thuật đầu tiên.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày nay, công nghệ cộng hưởng từ đã được ứng dụng ngay trong phòng mổ, giúp các bác sỹ có thể giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên.
Hiện nay, tại một số quốc gia có nền y tế phát triển, giải pháp cộng hưởng từ trong mổ đã được được áp dụng với hai mô hình: thiết kế hai phòng và thiết kế một phòng.
Mô hình thiết kế hai phòng (một phòng chụp cộng hưởng từ và một phòng mổ riêng biệt) tồn tại một số nhược điểm như gia tăng rủi ro cho người bệnh vì khoảng cách di chuyển dài giữa phòng chụp cộng hưởng từ và phòng mổ, chi phí cao do diện tích phòng lớn. Trong khi đó, đối với phẫu thuật thần kinh, thời gian là yếu tố quyết định đến sự thành công của ca mổ.
Để giải quyết các nhược điểm của mô hình thiết kế hai phòng, giải pháp cộng hưởng từ trong phòng mổ với thiết kế chỉ một phòng. Theo đó, hệ thống cộng hưởng từ mở (open MRI) được đặt trong phòng mổ, cho phép phẫu thuật viên chụp cộng hưởng từ ngay trong khi cuộc phẫu thuật đang diễn ra. Các phẫu thuật viên không cần lo ngại về tác động của từ trường đến các trang thiết bị phẫu thuật, cũng như màn hình hiển thị hình ảnh MRI vì các thiết bị này tương thích với từ trường./.
Theo TTXVN