Mặc dù đã có sự vào cuộc của các ngành, các cấp và các cơ quan chức năng nhưng thời gian qua, nạn bạo hành trẻ em vẫn tồn tại. Bạo hành trẻ em không chỉ xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa - nơi sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, mà ngay tại các thành phố lớn, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến. Hiện nay, bạo hành trẻ em xảy ra ở nhiều nơi, từ trường học, nhà trẻ cho đến những nơi công cộng,... Thậm chí một số trường hợp trẻ bị bạo hành bởi chính cha mẹ - những người sinh thành ra các em.
Thực tế cho thấy bạo hành trẻ em đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, tuy nhiên, lại rất hiếm vụ việc được đưa ra pháp luật. Như trường hợp quản lý và bảo mẫu của một trường mầm non tư thục tại TP.HCM đánh đập trẻ em, thế nhưng qua kiểm tra, thân thể các em không bị thương tích nên chỉ có thể truy tố tội danh hành hạ người khác và lãnh một mức án khá nhẹ. Chính những kẽ hở của luật pháp đã dẫn tới việc trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị bạo hành, và việc không phòng ngừa kịp thời cũng khiến những hành vi xâm hại rất dễ xảy ra. Mặt khác, khi trẻ bị chính người thân của mình bạo hành, vì nhiều lý do khác nhau, các thành viên còn lại trong gia đình lại không báo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Hành động này vô tình bao che và tạo điều kiện cho trẻ tiếp tục bị bạo hành.
Bạo hành trẻ em đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Để đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ em, thiết nghĩ các đoàn thể tại địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật đến người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Vì chính các đoàn thể là người hiểu và nắm rõ hoàn cảnh của từng gia đình, cơ sở tại địa phương mình quản lý. Qua đó, dễ dàng phát hiện những nơi có nguy cơ xảy ra bạo hành trẻ em để có biện pháp phối hợp phòng, chống ngăn chặn kịp thời. Có như vậy mới góp phần đẩy lùi tình trạng bạo hành trẻ em./.
Huệ Chi