1. Từ sáng sớm, khoảng 50 đoàn viên, thanh niên là những cán bộ Đoàn chủ chốt của Huyện đoàn Cần Giuộc có chuyến hành trình tiếp nối truyền thống về “địa chỉ đỏ” tại bến Lộc An, thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vượt quãng đường hơn 3 giờ, Đoàn dâng hương, tìm hiểu lịch sử của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Với chị Đỗ Thị Thảo Phương, khi đến bến Lộc An, chị hiểu hơn trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay
Đồng thời, Đoàn tưởng niệm thành kính, cùng các đại biểu ôn lại những chiến công vẻ vang, những cống hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” và quân, dân địa phương các đầu cầu tiếp nhận vũ khí của “Đoàn tàu không số” vận chuyển vào Nam bộ. Những hy sinh đó góp phần tô thắm, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là biểu tượng của ý chí và khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khát vọng về tương lai tươi sáng, trường tồn của dân tộc. Bến Lộc An là chứng tích lịch sử của tuyến đường vận tải chiến lược huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi đến của những chuyến tàu chở hàng từ miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam đánh giặc.
Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị đặt chân đến nơi đây. Chị được biết đây là con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường miền Nam. Được xem là sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, là hiện thân của ý chí và khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc. “Tôi rất xúc động và tự hào về truyền thống, ý chí, nghị lực, quyết tâm của cha anh. Qua đây, tôi và tuổi trẻ huyện nhà càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng sống, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hôm nay thông qua các di tích lịch sử như nơi đây” - chị Thảo Phương nói.
Còn đối với Bí thư Đoàn xã Phước Lại - Nguyễn Thị Kim Cương, một thành viên khác trong chuyến đi, cho biết, đến bến Lộc An để được nghe kể về những chiến công hiển hách của “Đoàn tàu không số” năm xưa. Chị nhận thấy đây là bài học lịch sử vô cùng quý báu đối với thế hệ trẻ. Từ đó, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc, Quân đội và Hải quân nhân dân Việt Nam; đồng thời, khơi dậy lòng tự hào, cổ vũ tinh thần độc lập, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
2. Trong hàng chục bến bãi mà “Đoàn tàu không số” bí mật vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam thì bến Lộc An đã tiếp nhận 3 chuyến tàu cập bến thành công vào các năm 1963, 1964 và 1965, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội ở trận Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng,...
Khu di tích “Đường Hồ Chí Minh trên biển” tại bến Lộc An là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Trong bối cảnh đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập Đoàn 759 với tên gọi “Đoàn tàu không số”. Ngày 29/01/1964, Đoàn 759 đổi tên thành Lữ đoàn 125. Đơn vị có nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược và cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Thời kỳ đó, căn cứ của Lữ đoàn là bến Bính (số hiệu là K20) ở Hải Phòng. Đơn vị sử dụng các tàu vận tải cỡ nhỏ thâm nhập miền Nam tại các căn cứ ở bến sông Gianh (Quảng Bình), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thạnh Phong (Bến Tre) và Vàm Lũng (Cà Mau).
Sở dĩ, Lộc An được chọn là một trong những điểm để Tàu không số cập bến vì nơi đây nằm cuối hạ nguồn nơi dòng sông Ray đổ ra cửa biển Lộc An, 2 bên là rừng nguyên sinh ngập mặn, thuận lợi cho việc vận chuyển, cất giấu và chuyển tải vũ khí đến các căn cứ kháng chiến. Nhân dân trong vùng có truyền thống cách mạng, địch ít chú ý do địa hình rừng, núi ngăn cách.
Để vận chuyển, bảo vệ và giao vũ khí thành công, các chiến sĩ trên Tàu không số ngày ấy đã vô cùng mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này. Những cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ điều khiển Tàu không số đều là những người có kinh nghiệm đi biển, khôn khéo ngụy trang, luồn lách, giả tàu đánh cá, lợi dụng nước biển để giấu hàng, tránh sự phát hiện của địch. Khi đã cập bến an toàn, các cán bộ, chiến sĩ lập tức kết nối với lực lượng địa phương tìm cách vận chuyển vũ khí nhanh chóng để trang bị cho các đơn vị chủ lực, bảo vệ an toàn tàu và bến bãi.
Nhờ sự mưu trí, can trường ấy mà bến Lộc An đã đi vào lịch sử. Ngày nay, một bia di tích đã được xây dựng tại địa điểm này để tưởng nhớ chiến công vang dội của những chiến sĩ “Đoàn tàu không số” năm xưa. Trên Bia di tích bến Lộc An có ghi: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bến Lộc An là một trong những nơi tiếp nhận vũ khí của Đoàn 125 Hải quân. Nơi đây, cán bộ, chiến sĩ Tàu 41 và Tàu 56, Đoàn 125 Hải quân phối hợp Đoàn vận tải 1.500 cùng quân, dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vượt qua sự phong tỏa của địch, tổ chức 3 chuyến tàu cập bến thành công, vận chuyển được 109 tấn vũ khí, góp phần làm nên chiến thắng Bình Giã vang dội năm 1965, phá tan hàng loạt “ấp chiến lược”, mở rộng vùng giải phóng, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy,...”.
Bến Lộc An được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1995. Có dịp đến Bà Rịa - Vũng Tàu, du khách có thể tìm về bến Lộc An ngắm nhìn dòng sông Ray, nghe lại câu chuyện về “Đoàn tàu không số” để được sống lại những tháng năm lịch sử khốc liệt, hào hùng. Bến Lộc An đã trở thành niềm tự hào của vùng đất này và là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Huyền thoại về con đường vận tải biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có bến Lộc An vẫn còn vẹn nguyên với thời gian, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một thiên anh hùng ca bất tử./.
Quyết định thành lập Đoàn 759 là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi thành lập, từ quá trình nghiên cứu, trinh sát, trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển”.
Từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới. Để bảo đảm bí mật cho tuyến đường vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương trên biển. Tên gọi “Đoàn tàu không số” cũng được ra đời như vậy.
|
Song Nhi