Tiếng Việt | English

09/11/2016 - 16:36

Về nông thôn nghe kể chuyện bình đẳng giới

Ngày xưa, thường có câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (10 người con gái không bằng 1 người con trai). Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, những quan điểm “trọng nam, khinh nữ” được xóa dần; đồng thời, phụ nữ (PN) còn có quyền bình đẳng tham gia, phát triển và thụ hưởng thành quả trên tất cả lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.


Bí thư Đoàn xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa - Trần Minh Phương luôn chủ động chia sẻ công việc gia đình cùng vợ

Phụ nữ bắt đầu lên tiếng

Lúc trước, trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa và biên giới của tỉnh Long An, nhiều PN thường xuyên bị bạo lực gia đình. Ấy vậy mà, họ vẫn can tâm gánh chịu, không dám lên tiếng phản kháng. Tuy nhiên, sau khi địa phương nhắc nhở, không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình,... thông qua đó, nhận thức của người dân được nâng lên, tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng giảm dần.

Như gia đình chị Tuyết, ở huyện Mộc Hóa. Nhiều năm liền, chị phải đi làm mướn nuôi con đi học, nuôi chồng,... Nhưng chị vẫn thường xuyên bị chồng hành hạ, đánh đập. Theo chị Tuyết, do anh không có nghề nghiệp ổn định nên thường xuyên tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Mỗi lần nhậu xong, anh lại kiếm chuyện đánh vợ. Biết được hoàn cảnh gia đình của chị, chính quyền địa phương đến tuyên truyền và có những biện pháp giáo dục, nhằm ngăn chặn nạn bạo lực trong gia đình. Tiếp cận nhiều góc độ khác nhau, chính quyền địa phương mạnh dạn hỗ trợ vốn để gia đình anh chị có việc làm ổn định.

Chị Tuyết tâm sự: “Lúc trước, tôi cứ nghĩ, phận làm đàn bà phải biết câm lặng, nín nhịn và hy sinh. Vì vậy, dù bị chồng bạo hành thế nào, tôi cũng không dám phản kháng. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn, tư vấn về pháp luật, tôi mới hiểu mình có quyền thể hiện ý kiến đối với chồng. Và tranh thủ những lúc cả nhà vui vẻ, tôi nhỏ to phân tích, tâm sự với anh ấy. Và, quả thật, mưa dầm thấm sâu, từ từ, anh ấy giảm uống rượu, lo làm ăn, quan tâm đến vợ con,...”.

Hay hoàn cảnh của chị T.M, ở huyện Tân Thạnh, từng là PN thường xuyên bị chồng hành hạ mỗi khi có “ma men”. Theo người dân nơi đây, lúc trước, chồng chị rất hiền lành và siêng năng làm việc nhưng vì làm ăn thua lỗ, anh buồn bã, tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Và mỗi lần có “ma men” trong người là anh sẵn sàng đem chị T.M ra trút giận. Thương chồng, thương con, chị T.M không dám tâm sự với ai. Tuy nhiên, “tức nước thì vỡ bờ”, chị T.M tìm đến chính quyền địa phương để được hỗ trợ. Thông qua công tác tuyên truyền và được người thân trong gia đình khuyên bảo, cho mượn vốn để tiếp tục kinh doanh, từ đó, anh không còn nhậu nhẹt mà thương vợ, thương con và chí thú làm ăn.


Bà Trần Thị Mỹ Đức - Trưởng ấp 4, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, nhiều năm liền được công nhận phụ nữ “Hai giỏi”

"PN ngày nay không chỉ biết lên tiếng phản kháng, chống lại bạo lực gia đình mà còn mạnh mẽ, chủ động tham gia các phong trào ở địa phương. Từ đó, PN tự khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội."

Những tín hiệu vui

PN ngày nay không chỉ biết lên tiếng phản kháng, chống lại bạo lực gia đình mà còn mạnh mẽ, chủ động tham gia các phong trào ở địa phương. Từ đó, PN tự khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Tiêu biểu là bà Trần Thị Mỹ Đức - Trưởng ấp 4, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, nhiều năm liền được công nhận PN “Hai giỏi” (Giỏi việc nước, đảm việc nhà). Mặc dù là PN đơn thân nhưng bà Mỹ Đức không ngừng nỗ lực làm tốt vai trò trong gia đình và xã hội. Trước đây, bà từng giữ nhiều chức vụ như: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp PN xã Tân Lập, Phó Chủ tịch UBMTQ Việt Nam xã Tân Lập,...

Bà Mỹ Đức tâm sự: “Những năm trước, là PN mà làm công tác vận động quần chúng rất khó khăn, nhiều người dị nghị và xem thường, thậm chí có những ý kiến đề xuất sẽ bác bỏ ngay, không cần tranh luận. Vì vậy, nếu PN nào không đủ nghị lực, tự tin thì sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Tuy nhiên, tôi bỏ qua những lời dị nghị, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thường xuyên gắn bó với nhân dân. Sau một thời gian, tôi chứng minh cho nhiều người thấy, PN cũng có thể làm tốt như nam giới”.

Có thể nói rằng, PN đóng vai trò rất quan trọng trong việc xóa bỏ những định kiến khắt khe đặt lên vai người PN, đồng thời, giảm khoảng cách về giới và nâng cao vai trò, vị trí của PN trong xã hội. Bởi, PN trước hết phải tôn trọng chính bản thân mình thì những người xung quanh mới hiểu hết giá trị của người PN trong xã hội ngày nay.

Vai trò, vị trí của PN trong xã hội càng được khẳng định thì nam giới cũng chủ động hơn trong việc chia sẻ, gánh vác công việc gia đình. Từ đó, xã hội cũng xuất hiện nhiều gương “Nam giới điểm 10”. Bí thư Đoàn xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa - Trần Minh Phương là “Nam giới điểm 10” tiêu biểu nhiều năm liền. Anh Phương cho biết: “Tôi luôn ý thức và chủ động chia sẻ công việc gia đình. Hàng ngày, sau thời gian làm việc ở cơ quan, tôi tranh thủ về nhà sớm nấu cơm, dọn dẹp và dạy các con học bài; bên cạnh đó, tôi còn quan tâm giúp đỡ những PN trong cơ quan và ngoài xã hội”.

Khi bình đẳng giới ngày càng được xã hội quan tâm thì vị trí của người PN càng được khẳng định. Những điều này góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa nạn bạo lực gia đình, rút ngắn khoảng cách về giới, nhất là phát huy được vai trò của chị em PN trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết