Tiếng Việt | English

14/04/2017 - 15:26

Vì sao đột quỵ có xu hướng gia tăng ở người trẻ?

PGS TS Lương Tuấn Khanh: Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ ngày càng có xu hướng "trẻ hóa" ở cả nam và nữ, thậm chí độ tuổi dưới 30

Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não), là một nhóm bệnh gây tử vong và tàn tật khá phổ biển trên thế giới.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn.

Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở các lứa tuổi đặc biệt là đang trẻ hóa.

Đột quỵ có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề

Những con số biết nói này khiến ngành y toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến các phương pháp điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ, để giúp họ khắc phục những di chứng và phần nào giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

Theo các thống kê được đưa ra tại Hội nghị khoa học phục hồi chức năng toàn quốc do Hội phục hồi chức năng Việt Nam tổ chức sáng 13/4, dù tỉ lệ tử vong do đột quỵ cho tới nay giảm đáng kể so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tì đè,…trong số đó chỉ có 25 – 30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20 – 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15 – 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

PGS. TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi là do các yếu tố nguy cơ liên quan trong đó có lối sống hiện đại và bệnh mãn tính.

PGS. TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai)
BS Khanh cho biết qua thực tế thăm khám cụ thể ở bệnh nhân cho thấy ở Việt Nam, đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa ở cả nam và nữ, ở độ tuổi dưới 30 thậm chí có cả những trường hợp sinh viên. Về nguyên nhân, thực ra chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể nhưng theo mặt logic của bệnh học, những căn nguyên cơ bản dẫn đến đột quỵ gồm: tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu, tiểu đường… đều là các yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.
PGS BS Lương Tuấn Khanh lưu ý, đột quỵ não để lại rất nhiều biến chứng nặng nề nguy hiểm như rối loạn gây nguy cơ sặc, viêm phổi do hít phải thức ăn đồ uống, loét da, viêm tắc mạch máu, đại tiểu tiện không tự chủ, đau khớp vai bên liệt, suy dinh dưỡng…

Chính vì vậy, phục hồi sức năng sau đột quy não rất quan trọng và là tổng thể các phương pháp nhằm giảm thiểu các khiếm khuyết và các biến chứng từ đó giúp nâng cao khả năng độc lập, hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

“Hiện nay, các thành tựu về cấp cứu và can thiệp giai đoạn cấp ở Việt Nam tương đối phát triển và tiếp cận với thế giới. Nhiều trung tâm đột quỵ của Việt Nam được thành lập ở các tỉnh, thành. Nếu bệnh nhân phát hiện sớm, đến bệnh viện kịp thời sẽ được cứu sống và tỷ lệ hồi phục cao. Hiện người ta cho rằng, khi bị đột quỵ, sẽ bị ảnh hưởng chức năng lớn, để lại di chứng lớn đến 90% các loại biến chứng về vận động, thần kinh, cơ xương khớp, tâm lý”- BS Khanh chia sẻ.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ đóng vai trò quan trọng

BS Khanh khuyến cáo, công tác xử lý bệnh nhân không chỉ là can thiệp, cứu sống ban đầu mà bắt buộc phải phục hồi chức năng để đảm bảo cho họ cải thiện được các khiếm khuyết, hòa nhập với xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngay cả khi bệnh nhân được cứu sống, người ta thống kê chỉ khoảng 25% hồi phục hoàn toàn, 50% phụ thuộc một phần, và 25% là hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Điều đó cho thấy vấn đề phục hồi chức năng sau đột quỵ rất quan trọng. Nếu bệnh nhân phục hồi chức năng sớm và liên tục sẽ ít để lại di chứng. Còn bệnh nhân kể cả bị nhẹ nhưng không phục hồi chức năng sớm và liên tục thì vẫn để lại di chứng và phải sống phụ thuộc vào người khác.

Theo BS Khanh, ở Trung tâm PHCN Bạch Mai, một năm có khoảng từ 250 – 300 bệnh nhân đột quỵ và hàng năm con số này có xu hướng tăng dần.

Trong hai thập kỷ qua, có rất nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật tiến bộ trong điều trị đột quỵ ở giai đoạn cấp. Tuy nhiên, hiệu quả của những phương pháp này còn hạn chế do thời gian “cửa sổ điều trị” tương đối ngắn, chỉ trong vài giờ từ khi đột quỵ khởi phát. Vì vậy, bệnh nhân thường không tránh khỏi những di chứng nặng nề, có nguy cơ tàn tật suốt đời. GS Michael Brainin – Chủ tịch WSO đã khẳng định “tất cả các phương pháp khoa học kỹ thuật mới rất tuyệt vời nhưng sẽ không thể thay thế hay xoá bỏ được nền tảng cơ bản của phục hồi thần kinh”.

Theo GS Michael Chopp – Giám đốc viện nghiên cứu khoa học thần kinh, Bệnh viện Henry Ford (Hoa Kỳ), một phát hiện mang tính nền tảng cho việc điều trị đột quỵ là hệ thần kinh có khả năng tái cấu trúc sau những tổn thương não bằng cách tái sinh lại cả đơn vị thần kinh bao gồm tế bào thần kinh, tân sinh mạch máu nuôi dưỡng tế bào thần kinh và tăng sinh tế bào thần kinh đệm để sửa chữa các sợi thần kinh đã tổn thương.

Đây chính là khái niệm về tính mềm dẻo thần kinh là cơ chế phục hồi chức năng sau đột quỵ. Khái niệm này đã mở rộng “cửu sổ điều trị” cho bệnh nhân đột quỵ trong giai đoạn phục hồi; nâng cao cơ hội chữa khỏi cho bệnh nhân.

Sau đột quỵ: Ăn gì tốt?

Sau đột quỵ: Ăn gì tốt? 

Cập Nhật 14-10-2016

Phòng ngừa tái phát đột quỵ là chiến lược tối ưu và lâu dài của bệnh nhân sau đột quỵ, bằng cách kiểm soát cân nặng, huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác.

Tổ chức Đột quỵ Thế giới đã khuyến cáo những liệu pháp phục hồi chức năng này cần được tiến hành một cách bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát.

Để hỗ trợ các bác sĩ, kỹ thuật viên đưa bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống hằng ngày, Ever Pharma với sự hỗ trợ chuyên môn của WSO (Tổ chức chống đột quỵ thế giới) và Bộ Y tế Việt Nam triển khai chương trình AVANT (Vietnam Austria Advanced Neurorehabilitation Treatment) - chuơng trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ, phối hợp giữa Việt Nam và Áo.

Theo chương trình này, các nhóm bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên ngành PHCN của các bệnh viện đầu ngành tại Việt Nam sẽ sang các trung tâm PHCN tiên tiến tại CH Áo để được đào tạo chuyên sâu về PHCN cho bệnh nhân sau đột quỵ. Tiếp đó, chương trình AVANT sẽ tiến hành các lớp đào tạo các bác sĩ PHCN và kỹ thuật viên rộng khắp đến bệnh viện các tuyến và cả người chăm sóc bệnh nhân trên cả nước ở khắp Việt Nam. Đặc biệt, mọi đối tượng bác sĩ, kỹ thuật viên và người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đều có thể đăng ký tham gia khóa học./.  

Thu Thủy – Hải Yến/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích