Nước biển dâng gây xói lở và ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Sáng nay, ngày 26/9, khoảng 500 đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới đã cùng tham dự Hội thảo về cửa sông ven biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) tại Đại học Thủy lợi. Trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành có nhiều công trình đóng góp trong lĩnh vực kỹ thuật biển đến từ các quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Hà Lan…
Với chủ đề “Sống cùng thiên nhiên, đối phó với những thay đổi của vùng bờ biển” (Living with nature, coping with coastal changes), Hội thảo APAC 2019 bao gồm 9 nhóm chuyên môn chính đề cập đến các vấn đề sóng biển, thủy triều và sóng thần; xói lở bờ biển và vận chuyển bùn cát; thủy động lực học vùng cửa sông và ven biển; phát triển và cải tạo vùng đồng bằng; phát triển bờ, bãi và chống xói lở; hệ sinh thái biển và môi trường biển; năng lượng tái tạo biển và ngoài khơi; biến đổi khí hậu và ứng phó vùng ven biển; hiểm họa vùng biển và đánh giá rủi ro.
Đặc biệt, hội thảo còn có một tiểu ban về xói lở bờ biển và xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, một vấn đề bức thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Hội thảo APAC nhằm thúc đẩy trao đổi học thuật và kỹ thuật về các nghiên cứu liên quan đến bờ biển, bao gồm kỹ thuật ven biển và các vấn đề môi trường ven biển tại các quốc gia/khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Sự kiện được hỗ trợ bởi Hiệp hội Kỹ thuật Đại dương Trung Quốc (COES), Ủy ban Kỹ thuật Bờ biển của Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Nhật Bản (JSCE) và Hiệp hội Kỹ sư Bờ biển và Đại dương Hàn Quốc (KSCOE).
Được tổ chức hai năm một lần bởi một trong các nước thành viên trong khu vực, song song với sự kiện chính về nội dung chuyên môn, hội thảo APAC còn có các gian hàng triển lãm cũng được bố trí tại nơi tổ chức để quảng bá các thông tin mới nhất về công nghệ, sản phẩm của các công ty, các trường đại học, các viện nghiên cứu trên thế giới trong lĩnh vực liên quan.
Đây là lần thứ 10 hội thảo APAC được tổ chức nhưng là lần đầu tiên Việt Nam giữ vai trò chủ nhà.
Chia sẻ tại lễ khai mạc, ông Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi, Trưởng ban tổ chức cho biết, APAC 2019 là cơ hội quý giá cho các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực thủy văn-môi trường vùng cửa sông ven biển trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và cập nhật các thông tin, kiến thức mới qua các hội thảo chuyên đề.
“Như chúng ta đã biết, hiện nay vấn đề về biển, Đồng bằng sông Cửu Long chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến xói lở bờ sông cửa biển, biến đổi môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún mặt đất do khai thác nước ngầm cũng như các vấn đề khai thác cơ sở hạ tầng khác… Hội thảo lần này với 10 tiểu ban khác nhau giải quyết tất cả các vấn đề liên quan. Tôi kỳ vọng các nhà khoa học sẽ chia sẻ các kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến của các quốc gia, từ đó chúng ta có thể học hỏi để có giải pháp hữu hiệu giúp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững trước mắt cũng như về lâu dài,” ông Thụ chia sẻ.
Cũng theo ông Trịnh Minh Thụ, Đại học Thủy lợi đã chuẩn bị cho hội thảo từ hơn một năm trước về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực, kêu gọi các bài báo, nhà tài trợ. Kỷ yếu của hội thảo do nhà xuất bản Spinger Nature thuộc danh mục SCOPUS biên soạn. Đây là nhà xuất bản nổi tiếng thế giới, hiện đang sở hữu hoặc đồng sở hữu khoảng 2.500 tạp chí khoa học chuyên ngành bằng tiếng Anh và 200 ấn bản tiếng Đức cùng cổng thông tin tra cứu SpringerLink.
Hội thảo sẽ diễn ra đến hết ngày 28/9./.
Theo TTXVN