Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ cấp tần số để thử nghiệm 5G từ năm 2019. (Nguồn: CTV)
Chia sẻ tại Hội thảo "Đổi mới sáng tạo Việt Nam" sáng 14/11, ông Hùng cho biết, vào năm 1990, khi thế giới xuất hiện 2G thì chỉ 3 năm sau, Việt Nam đã khai trương mạng điện thoại công nghệ số 2G. Năm 2000, thế giới xuất hiện 3G nhưng phải đến 2010 thì 3 mạng lớn nhất mới khai trương 3G và tới khi 4G xuất hiện thì câu chuyện cũng tương tự.
Năm 2018 - 8 năm sau khi thế giới có 4G, Việt Nam vẫn chưa cấp tần số để làm công nghệ này và mạng 4G mà các nhà mạng khai trương là do dồn dịch tần số 2G,
Ông Hùng cho hay, với kết quả với sự chấp nhận công nghệ 2G, Việt Nam từng vào top 20 thế giới nhưng khi chuyển sang 3G, 4G, vì sự đi sau về công nghệ và thiếu nhân tố cạnh tranh mới mà viễn thông Việt Nam đang xếp ở thứ hạng thứ 100…
“Công nghệ 5G đang tới, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng. Mà muốn thay đổi thì phải đi đầu, chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ 2019,” ông Hùng nói.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật – hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam muốn đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp này thì 5G phải đi trước. Mạng 5G cho kết nối vạn vật của Việt Nam phải vào loại tốt nhất, số lượng trạm BTS 5G phải lớn hơn rất nhiều so với công nghệ trước đó.
“5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, cơ hội thay đổi thứ hạng của viễn thông mà còn là cơ hội phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà,” ông Hùng nhận định.
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương thì cho biết, vấn đề xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số hiện nay đối với Việt Nam là cuộc chạy đua nước rút, chứ không phải là cuộc chạy đường dài. Bởi lẽ, điều này quyết định đến sự thành công mục tiêu thực thi Chính phủ điện tử, nền kinh tế số hay nói cách khác Việt Nam có bắt kịp con tàu 4.0 hay không, thì điều kiện tiên quyết là phải phát triển hạ tầng số.
“Bởi nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,” ông Phát nói.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: newtalk.tw)
Trong khi đó, bà Susie Armstrong, Phó Chủ tịch Cấp cao về Công nghệ, Tập đoàn Qualcomm thì nhận định Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc triển khai 4G và hướng tới phát triển 5G.
Lãnh đạo của Qualcomm cũng đề xuất Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiện để triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G.
Cũng tại sự kiện, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ những nhóm vấn đề chính như: Phát triển 5G và các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và vai trò của hệ sinh thái; Chính sách hỗ trợ ngành viễn thông hướng tới 5G; Thúc đẩy Đổi mới Sáng tạo thông qua các Quy định thân thiện và hệ sinh thái hỗ trợ./.
Theo TTXVN