Tiếng Việt | English

10/01/2020 - 10:15

Việt Nam thiệt hại 902 triệu USD vì virus máy tính trong năm 2019

Năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỉ đồng (902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỉ đồng của năm 2018.

(Ảnh minh hoạ)
Theo báo cáo từ Công ty An ninh mạng BKAV, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam trong năm 2019 đã lên tới 20.892 tỉ đồng (902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỉ đồng của năm 2018.

Tuy không có sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, nhưng sự gia tăng các máy tính bị nhiễm mã độc mã hóa dữ liệu và mã độc tấn công có chủ đích (APT) là nguyên nhân chính gây ra những thiệt hại khổng lồ này. Tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận trong năm 2019 lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018. Tỷ lệ máy tính bị nhiễm mã độc vẫn ở mức rất cao 57,70%.

Những số liệu đáng lo ngại 

Phân tích về những nguyên nhân dẫn tới số lượng máy tính bị nhiễm virus ở mức cao, các chuyên gia BKAV cho biết nguyên nhân đầu tiên là việc tải và cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên mạng.

Trung bình, cứ 10 máy tính cài các phần mềm tải về từ Internet thì có tới 8 máy tính sẽ bị nhiễm virus, đây là một tỷ lệ rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm virus qua USB đã giảm mạnh, tuy vẫn ở mức cao 55%, nhưng đã giảm tới 22% so với năm 2018.

Ngược lại, virus lây nhiễm qua email lại ở mức 20%, tăng 4% so với năm 2018. Cũng theo thống kê của BKAV, vẫn tồn tại tới 41,04% máy tính tại Việt Nam có chứa lỗ hổng SMB, từng bị virus Wanna Cry khai thác để lây nhiễm hơn 300.000 máy tính chỉ trong vài giờ.

Năm 2019 cũng tiếp tục chứng kiến sự hoành hành của các loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware).

Số lượng máy tính bị mất dữ liệu trong năm 2019 lên tới 1,8 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2018. Nghiêm trọng hơn, trong số này có rất nhiều máy chủ (server) chứa dữ liệu của các cơ quan. Không chỉ gây thiệt hại lớn, việc các máy chủ bị xóa dữ liệu cũng gây đình trệ hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp trong nhiều ngày sau đó, thậm chí đến cả tháng.

Các chuyên gia BKAV cho biết, đã có một chiến dịch quy mô lớn của hacker nước ngoài tấn công vào các máy chủ có mật khẩu yếu tại Việt Nam.

Không sử dụng các hình thức lây nhiễm mã độc lây nhiễm thông thường, hacker đã tập trung dò tìm các server có mật khẩu yếu, từ đó thực hiện truy cập trái phép từ xa (remote access) nhằm cài thủ công mã độc mã hóa dữ liệu. Kiểu tấn công này khiến phần mềm diệt virus sẽ bị vô hiệu hóa do hacker đã chiếm được toàn quyền điều khiển máy chủ.

Năm 2019 cũng ghi nhận có đến 420.000 máy tính tại Việt Nam đã bị nhiễm loại mã độc tấn công APT nguy hiểm W32.Fileless.

Theo các chuyên gia BKAV, kỹ thuật mà W32.Fileless sử dụng rất tinh vi và có thể nói đã đạt đến mức “tàng hình.” Mã độc này không để lại bất cứ dấu hiệu gì về sự tồn tại của chúng dưới dạng file nhị phân trên ổ cứng máy tính như các loại mã độc thông thường.

Do khả năng ẩn giấu gần như trong suốt với người dùng, mã độc này sẽ nằm vùng, đánh cắp thông tin, mở cổng hậu để tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển máy tính từ xa. BKAV cũng ghi nhận một số dòng W32.Fileless có tải về thêm các mã độc khác để lợi dụng tài nguyên máy tính đào tiền ảo.

Tuy nhiên trong năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước cùng các chiến dịch xử lý mã độc đồng loạt tại một số thành phố lớn đã góp phần giảm đáng kể số lượng máy tính tại Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma (botnet).

(Ảnh minh hoạ)
Theo công bố của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU, Việt Nam đã tăng 50 hạng về chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu trong năm.

Tuy nhiên, chuyển biến tích cực này mới chỉ đến chủ yếu từ khối cơ quan ở Trung ương và một số thành phố lớn, công tác phòng chống mã độc tại các địa phương khác vẫn còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt một lượng lớn máy tính tại khối doanh nghiệp tư nhân và người sử dụng cá nhân vẫn chưa có hình thức phòng vệ cần thiết, chưa có phần mềm diệt virus bảo vệ thường trực, hoặc có phần mềm diệt virus nhưng không đủ mạnh.

Thiết bị IoT sẽ là điểm nóng trong năm 2020

Theo dự báo từ BKAV, năm 2020 mã độc tấn công APT sẽ tinh vi hơn, Fileless sẽ là xu hướng chính, cùng với đó là các mã độc giả mạo các phần mềm, chương trình chuẩn thông qua kỹ thuật DLL Side-Loading để qua mặt phần mềm diệt virus. Tấn công mã hóa tống tiền sẽ còn tiếp tục gia tăng do nguồn lợi trực tiếp nó mang lại cho hacker ngày càng lớn.

Các thiết bị IoT như Router, Wi-Fi, Camera giám sát, thiết bị đầu cuối… sẽ là điểm nóng về an ninh mạng khi các thiết bị này ngày càng trở nên phổ biến và kết nối rộng. Tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng khó lường.

Tin tức giả mạo sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối đối với cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước. Sẽ xuất hiện những tin giả mạo, clip giả mạo với mục đích xấu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI như deepfake (công nghệ sản xuất, chỉnh sửa ảnh hoặc video)./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích